Ngày 21-8, Ukraine đã tổ chức đợt tấn công bằng drone lớn nhất từ trước tới nay nhắm vào Matxcơva.
Số liệu riêng từ Nga đã xác nhận phá hủy ít nhất 10 chiếc drone bay về hướng thủ đô, thành phố thuộc vùng Matxcơva cách phía nam Điện Kremlin khoảng 38km.
Cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay
Đây không phải lần đầu tiên Ukraine tấn công Matxcơva. Theo Hãng tin Reuters, trong vài tháng gần đây, Ukraine thường phóng một hoặc hai chiếc drone hướng về thủ đô Nga và không gây thiệt hại gì đáng kể.
Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng drone "lớn nhất từ trước tới nay" này diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm, chỉ vài tuần sau khi Ukraine bất ngờ tràn quân vào vùng Kursk của Nga và thành công kiểm soát khoảng 1.000km vuông ở khu vực này.
Một số phân tích từ phương Tây tới nay chỉ ra hai lý do và động lực lớn nhất cho việc Ukraine đang có những hành động "táo bạo".
Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ) nhận định việc Ukraine tiến quân vào Nga mang theo những hàm ý sâu xa về cuộc xung đột đang ở đoạn cuối của năm thứ ba này.
Theo đó, chiến dịch Kursk (và có khả năng là nhiều cuộc tấn công khác trên lãnh thổ Nga) có thể thách thức niềm tin phổ biến lâu nay về việc cuộc xung đột này đã tới ngưỡng, và không cách nào có thể giải quyết trên chiến trường được nữa.
Thách thức "lằn ranh đỏ" của ông Putin
Ngoài ra, màn tiến công của Ukraine cũng thách thức "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ đó có thể kêu gọi phương Tây cởi mở hơn trong việc hỗ trợ Ukraine.
Đối với điểm thứ nhất, Ukraine đã bắn những tín hiệu cho thấy họ "không tin vào ngoại giao nữa", một nhận xét liên quan tới việc Kiev không muốn bị "ép" ngồi vào bàn đàm phán với Nga trong thế thua thiệt.
Ông Zelensky và các quan chức chính trị Ukraine thừa hiểu với tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh tích tụ lâu ngày, phương Tây ở một thời điểm (gần) nào đó cũng sẽ xử lý vấn đề bằng cách đối thoại, ngoại giao - một nét đặc trưng trong văn hóa chính trị của họ.
Và khi Nga chịu ngồi vào bàn đàm phán, đó cũng là lúc Matxcơva cảm thấy thoải mái và sẵn sàng nhất. Đơn giản Ukraine không muốn rơi vào thế bị động.
Theo lập luận này, phương Tây sẽ tiếp tục viện trợ Ukraine chỉ khi họ cảm thấy vũ khí và tài chính của họ có hiệu quả trên chiến trường. Ngặt nỗi, theo phía Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã dần thành công trong việc "gieo" suy nghĩ rằng Ukraine đang bế tắc và Nga chỉ có thể từ từ tiến lên. Nói cách khác, ông Zelensky đổ quân vào Kursk và tấn công quy mô lớn hơn vào Matxcơva nhằm thay đổi suy nghĩ này.
Ở điểm thứ hai, Ukraine vài ngày gần đây liên tục tuyên truyền về việc phá "lằn ranh đỏ" của ông Putin.
Từ khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" bắt đầu tháng 2-2022, phương Tây đã phản ứng mạnh mẽ nhưng không vượt qua "lằn ranh đỏ", một giới hạn khá mơ hồ về khả năng gây ra xung đột trực tiếp với Nga cũng như nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Một trong những điểm cụ thể hơn về lằn ranh này là việc Nga phản đối Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh vào lãnh thổ Nga. Điều này dẫn tới khá nhiều hạn chế các đồng minh - những người viện trợ vũ khí - áp lên Ukraine.
Ukraine trong khi đó luôn tin rằng có thể "chiến thắng" nếu được phép tấn công lãnh thổ Nga. Kiev muốn các đồng minh vượt qua ám ảnh về "lằn ranh đỏ" của ông Putin, từ đó cởi mở trong viện viện trợ và cho phép Ukraine làm điều tưởng như cấm kỵ.
Và có vẻ từ Kursk tới Matxcơva, phía Ukraine đã "vượt rào" cốt để chứng minh cái gọi là "lằn ranh đỏ" của ông Putin chỉ là "trò bịp" - ông Zelensky dùng từ ngữ của các ván bài để nói về việc Nga cố gắng dọa phương Tây.
Hôm 20-8, báo Kyiv Independent dẫn lời ông Zelensky nói vừa qua Ukraine đã không tiết lộ việc chuẩn bị đánh Kursk vì lo phương Tây sẽ ngăn cản, e ngại "lằn ranh đỏ" của ông Putin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận