Bức tượng còn thiếu sau đợt khảo cổ năm 1902
Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara là bức tượng bằng chất liệu đồng duy nhất ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có niên đại khoảng 1.200 năm. Trong các bảo vật tại bảo tàng thì tượng Bồ tát Tara được đón về nhà muộn qua phát hiện hết sức tình cờ vào năm 1978.
Bức tượng được các nhà chuyên môn đánh giá là hiện vật bằng đồng có kích thước lớn nhất được biết đến của nghệ thuật điêu khắc Champa cổ.
Trong khi hàng ngàn hiện vật khai quật tại Phật viện Đồng Dương được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ hơn 100 năm trước thì bức tượng này mới được phát hiện cách đây 45 năm.
Tuy nhiên từ đợt khai quật có quy mô lớn nhất ở Phật viện Đồng Dương hơn một thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Henri Parmentier, thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), đã biết đến sự tồn tại của bức tượng này.
Theo những sử liệu ghi chép lại vẫn còn lưu giữ thì Henri Parmentier, trưởng nhóm khai quật năm 1902, đã tìm được trong văn bia tại di tích Đồng Dương được khắc năm 875 có thông tin: pho tượng đặt tại đài thờ trung tâm dâng cúng Thần Lakshmindra Lokeshvana.
Ông và những cộng sự đã biết về sự tồn tại của pho tượng quan trọng này.
Tuy nhiên cuộc khai quật quy mô lớn trên diện tích khai quang được hơn 6.500 mét vuông năm 1902, rồi rất nhiều cuộc khai quật, dò thám sau vẫn không thu được tung tích của bức tượng như thông tin trên văn bia năm 875.
Cho đến một ngày những người nông dân sống ở di tích Đồng Dương đã tìm thấy bức tượng đồng dưới lớp đất sâu hơn 1m trong lúc đào đất làm gạch.
Bị tách ra vì tưởng... kim loại quý
Nhưng vì sao pho tượng quý bằng đồng nguyên khối lại bị tách ra khỏi hai hiện vật là đóa sen và con ốc. Tác giả Ngô Văn Doanh, trong cuốn sách Phật viện Đồng Dương, đã kể lại cuộc trao đổi với ông Trà Gặp - một trong ba người phát hiện pho tượng.
Ông Gặp cho biết lúc mới tìm thấy, nhóm ông cho rằng tượng công chúa bằng kim loại quý nên đập gãy hai vật nhỏ cầm trên tay để xem thực hư.
Từ sự tò mò này mà cổ vật quý một lần nữa thất lạc hiện vật. Hai hiện vật này "lưu lạc" mãi trong dân cho đến hôm nay được giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.
Tình tiết hiện vật bị thất lạc do người dân đập gãy vì tưởng kim loại quý sau này, phóng viên Tuổi Trẻ Online được nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, cựu quản thủ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, xác nhận một lần nữa.
Chính ông Phương là người trực tiếp vào Phật viện Đồng Dương mang bảo vật này về Đà Nẵng (lúc đó còn chưa tách tỉnh, Đà Nẵng là tỉnh lỵ).
Thời điểm phát hiện pho tượng chính xác là vào tháng 8-1978, một năm sau đó ông Trần Kỳ Phương đã công bố lần đầu thông tin này trên tạp chí.
Ban đầu bức tượng này còn có tên là Laksmindra - Lokesvara như được đề cập đến trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương.
Tên gọi Tara là tên gọi mà nhà nghiên cứu Jean Boisselier đã gợi ý sau 5 năm tìm ra pho tượng.
Hiện nay vẫn tồn tại hai cách gọi tượng Bồ tát Tara hoặc tượng Laksmindra - Lokesvara để chỉ pho tượng này. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa thì tượng Bồ tát Tara bằng đồng này vẫn được đánh giá là hiện vật quan trọng nhất mô tả vẻ đẹp vô cùng thanh thoát, quyến rũ mang những bí ẩn trong nền văn hóa Chăm.
Tượng Bồ tát Tara mô tả một nữ thần bằng đồng cao gần 1,15m có hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc. Toàn bộ phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài. Khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận