Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 10-6, ông Tùng cho biết năm nay trường mở thêm ba ngành mới, gồm tâm lý học, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng.
Ngành tâm lý học nhà trường tuyển 60 chỉ tiêu. Trong đó, dành 20 chỉ tiêu tổ hợp B00 (toán, hóa học, sinh học), 20 chỉ tiêu tổ hợp C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) và 20 chỉ tiêu tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh).
Đối với ngành hộ sinh thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhà trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu. Trong đó trường dành 45 chỉ tiêu tổ hợp B00, 5 chỉ tiêu tuyển xét điểm thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đối với ngành kỹ thuật phục hình răng nhà trường chỉ tuyển tổ hợp B00.
Còn lại tất cả các ngành của nhà trường thuộc lĩnh vực sức khỏe đào tạo trước đây chỉ sử dụng duy nhất tổ hợp xét tuyển B00.
Lý giải việc Trường đại học Y Hà Nội lần đầu tiên xét tuyển tổ hợp C00 (văn, sử, địa), ông Tùng cho biết nhà trường chỉ xét tuyển tổ hợp C00 duy nhất ngành tâm lý học với 20 chỉ tiêu.
Theo ông Tùng, ngành tâm lý học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, do vậy nhà trường xét tuyển tổ hợp C00 hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, các trường đào tạo ngành tâm lý học đều sử dụng 5 tổ hợp truyền thống, trong đó có tổ hợp C00 và D01.
"Căn cứ vào chuẩn đầu vào và nội dung giảng dạy trong chương trình đào tạo tâm lý học của Đại học Y Hà Nội, sinh viên có kiến thức tốt môn ngữ văn, lịch sử, địa lý phù hợp để theo học ngành tâm lý học, đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo Trường đại học Y Hà Nội.
Nhà trường phải quan tâm khả năng tiếp cận của học sinh THPT, các em học các tổ hợp khác nhau có thể có cơ hội tiếp cận các ngành học này của trường", ông Tùng giải thích thêm.
Theo ông Tùng, chương trình tâm lý học được Trường đại học Y Hà Nội xây dựng dựa trên chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học; rà soát đối chiếu với hai chương trình đào tạo ngành tâm lý học đã được kiểm định theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Ngành tâm lý học đào tạo ở Trường đại học Y Hà Nội sẽ tập trung đáp ứng theo chuẩn chương trình, đầu ra của ngành tâm lý học nói chung.
Nhà trường đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực liên quan đến thực hành, thực tập, các vấn đề tâm lý học y học. Đây là các điểm mạnh của trường sẽ được chú trọng và nhấn mạnh trong chương trình đào tạo này", ông Tùng cho biết.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Trường đại học Y Hà Nội sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển đại học.
Nhà trường chỉ xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội vào các ngành sau: hộ sinh (5 chỉ tiêu), điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa (10 chỉ tiêu), kỹ thuật xét nghiệm y học phân hiệu Thanh Hóa (10 chỉ tiêu), kỹ thuật phục hồi chức năng phân hiệu Thanh Hóa (10 chỉ tiêu).
Học phí 15 - 55,2 triệu đồng/năm
Năm 2024, Trường đại học Y Hà Nội tuyển sinh 1.720 chỉ tiêu (tăng 350 chỉ tiêu so với năm ngoái).
Trường áp dụng bốn phương thức xét tuyển, gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường đại học Y Hà Nội; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đối với tất cả các ngành; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (chứng chỉ ngoại ngữ là điều kiện sơ tuyển).
Cụ thể, với phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trường chỉ áp dụng cho các ngành y khoa, răng - hàm - mặt, điều dưỡng chương trình tiên tiến, trong đó IELTS cần đạt từ 6.5 trở lên; riêng điều dưỡng chương trình tiên tiến cần đạt từ 5.0 trở lên.
Trường dành 25% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi ngành. Nếu thí sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng nhập học không đủ chỉ tiêu, chỉ tiêu tuyển thẳng còn lại sẽ dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Mức học phí trong năm học tới được nhà trường công bố dự kiến từ 15 - 55,2 triệu đồng/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận