Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump có những ưu tiên khác nhau cho đất nước mình đứng đầu - Ảnh: REUTERS
Truyền thông thế giới nhìn chung đồng tình là trận thương chiến Mỹ - Trung đang chuyển sang giai đoạn "dài hơi". Nhưng bài phân tích của tạp chí National Review của Mỹ cho rằng "dài hơi" ở đây mang ý nghĩa rất khác đối với mỗi bên.
Tại Mỹ, từ bây giờ cả hệ thống chính trị và truyền thông đã bị cuốn vào cuộc tranh cử tổng thống mà ngày bỏ phiếu còn cách tới 18 tháng.
Ai cũng hiểu ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quyền lực với nhiệm kỳ gần như trọn đời, chỉ cần chờ thêm ít lâu, biết đâu ông Donald Trump sẽ phải rời Nhà Trắng?
Chuẩn bị cho các tình huống khó khăn
Nhưng dường như đó không phải là điều Bắc Kinh quan tâm. Tại Trung Quốc, guồng máy chính trị, bao gồm truyền thông nhà nước, đang tạo ra một thực tế khác dành cho công chúng từ những gì ông Tập đã phát biểu.
Khi nói về thương chiến căng thẳng với Mỹ, chính xác những từ mà Chủ tịch Trung Quốc dùng là "một cuộc Vạn lý trường chinh mới", chứ không phải "đường dài", "thách thức dài hạn"… hay đại loại vậy.
Các diễn đạt này rất quan trọng, nó hàm ý một thứ to lớn hơn nhiều so với 1-2 chu kỳ chính trị.
Hôm 20-5, tại tỉnh Giang Tây, nơi cuộc Vạn lý trường chinh lần đầu xuất phát (tháng 10-1934), ông Tập đã tuyên bố cuộc đại rút lui lần 2 sắp bắt đầu. Ông kêu gọi người Trung Quốc "ý thức rõ bản chất phức tạp và dài hạn của các yếu tố bất lợi trong nước và quốc tế, chuẩn bị chu đáo cho các tình huống khó khăn khác nhau".
Có thể thấy, cách dùng từ của ông Tập hàm ý những quan ngại sâu sắc hơn nhiều so với việc Mỹ - Trung có đạt được thỏa thuận nào về đậu nành, thị heo hay thậm chí quyền sở hữu tài sản trí tuệ.
Nó có thể là gì?
Sau giai đoạn phát triển phồn thịnh kéo dài hàng chục năm, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang quy tụ mọi dấu hiệu của một thị trường không ổn định, có khả năng đổ vỡ bởi bất cứ chấn động nào. Áp lực từ thương chiến đang làm lộ ra những rạn nứt có sẵn lâu nay.
Đây có lẽ là điều không thể tránh khỏi, và tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc cũng biết. Như vậy, câu trả lời là: "bóng ma đe dọa" chính là một cuộc khủng hoảng tài chính mới mà Bắc Kinh không thể ngăn chặn.
Người dân Trung Quốc đi trên đường, xem một sự kiện phát trên truyền hình - Ảnh: REUTERS
Dự trữ ngoại tệ bị bào mòn
Lần đầu tiên trong một thế hệ, nhiều yếu tố kết hợp lại đang tạo ra triển vọng nhập siêu cho Trung Quốc. Tạp chí The Economist lưu ý gần đây: "Việc Trung Quốc bán ra cho thế giới nhiều hơn giá trị nước này mua vào có thể trông như một đặc điểm bất biến của bức tranh kinh tế, nhưng nó có thể không còn kéo dài lâu".
Hệ lụy của thay đổi này vô cùng lớn, đe dọa đến khối tài sản khổng lồ của Trung Quốc: 3.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ - trong đó là 1.000 tỉ USD trái phiếu của Mỹ, và hình ảnh một quốc gia chủ nợ của thế giới. Mọi thứ sắp thay đổi, và một khi đã xảy ra, núi tiền này sẽ cạn rất nhanh.
Quỹ dự trữ của Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực, tổng nợ của nước này đã gần chạm mốc gấp 3 lần GDP - gấp 3 lần tỉ lệ nợ/GDP của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực củng cố hệ thống ngân hàng và giữ tính thanh khoản trong nền kinh tế. Dự trữ ngoại tệ còn cần thiết để bảo vệ đồng tiền, trong khi đó đồng nhân dân tệ đã giảm 8% trong năm ngoái, mức chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Nếu Trung Quốc trở thành nước nhập siêu (đồng nghĩa nước đi vay), ngoại tệ lại càng quan trọng. Sau khi vực dậy hệ thống ngân hàng, bảo vệ đồng tiền và bơm cho thương mại, Bắc Kinh sẽ thấy số tiền 3.000 tỉ USD còn lại không bao nhiêu.
Nếu như vào năm 2010 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc gần bằng nửa GDP, thì nay nó chỉ còn khoảng 1/4. Bán tháo trái phiếu của Mỹ đồng nghĩa lãi suất USD sẽ tăng và làm chậm nền kinh tế Mỹ, nhưng nó cũng khiến dòng vốn chạy hết khỏi Trung Quốc.
Chắc chắn các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những điều trên, trong khi nó không quá quan trọng đối với các nhà đàm phán thương mại Mỹ vốn chỉ tập trung vào thặng dư Trung Quốc đang có với Mỹ.
Trong nhiều năm, các nhà phân tích quốc tế tin rằng Bắc Kinh có thể thao túng để lèo lái nền kinh tế. Quả thật, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc đã tránh được những ảnh hưởng xấu nhất của nó. Nhưng những quyết sách kinh tế khi đó cũng đang bộc lộ sức phá hoại theo thời gian.
Nói cách khác, Bắc Kinh không còn kiểm soát được tương lai kinh tế. Từ xuất siêu chuyển sang nhập siêu sẽ kéo theo các xu hướng tiêu cực khác. Giống như Hồng Quân Công Nông hồi năm 1935, nền kinh tế Trung Quốc đang bị bủa vây bởi các thế lực mà nó không thể đánh bại. Bất cứ động thái giải cứu nào bây giờ chỉ càng làm tệ thêm tình hình.
Những vấn đề của Trung Quốc đã có từ trước khi ông Tập lên nắm quyền và được thừa nhận bởi các vị tiền nhiệm. Năm 2007, trước cả thời Obama, Tập và Trump, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng mô tả kinh tế Trung Quốc là "mất cân bằng, không ổn định, thiếu liên kết và không bền vững".
******
Không ai biết cuộc "Vạn lý trường chinh mới" của ông Tập có khả thi hay không, nhưng lý do của nó có thể hiểu được. Tạp chí National Review cho rằng Bắc Kinh không có cách nào thoát khỏi tai họa trước mắt trừ nước cờ táo bạo "rút lui chiến lược" để quay trở lại vào một ngày khác.
"Trường chinh" có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Trung Quốc có thể đóng cửa với tự do thương mại, hạn chế nhập khẩu hoặc kiểm soát dòng vốn… Bởi thế mà ông Tập kêu gọi công chúng "chuẩn bị cho các tình huống khó khăn khác nhau".
Thế giới có thể chứng kiến vài bước đi đánh lạc hướng từ Trung Quốc. Họ có thể phát động một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, hoặc "phiêu lưu" hơn ở BIển Đông.
Về phần mình, Mỹ khó mà trông đợi sự hợp tác từ Trung Quốc trong các vấn đề đa phương như Triều Tiên hoặc Iran như lâu nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận