Bản đồ Trung Quốc bày bán trên hè phố ở Bắc Kinh thể hiện đường lưỡi bò bất hợp pháp chiếm cứ gần như toàn bộ Biển Đông - Ảnh:A FP |
Theo Tân Hoa xã, một thông tư do Cục khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia cùng Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về vấn đề không gian mạng ban hành ngày 1-9, nêu rõ hiện nay một lượng lớn bản đồ trực tuyến vẫn chưa được phê chuẩn.
Theo thông tư, một số bản đồ Trung Quốc thể hiện sai các đường biên giới nước này, "không đưa vào một số đảo quan trọng", thậm chí nhiều bản đồ có thể làm lộ bí mật quốc gia. Điều này làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, đồng thời có thể khiến cộng đồng quốc tế hiểu sai về lập trường và các tuyên bố chủ quyền của chính quyền Bắc Kinh.
Văn bản trên yêu cầu các trang mạng và nhà điều hành dịch vụ trực tuyến nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ các trình tự pháp lý trước khi đăng bản đồ lên mạng và đảm bảo các bản đồ mà họ sử dụng là hợp pháp. Ngoài ra, cơ quan quản lý bản đồ và không gian mạng của Trung Quốc cũng sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ các bản đồ trực tuyến.
Không chỉ thực thi tuyên truyền một chiều trong nước, chính quyền Bắc Kinh còn chi tiền để "giải thích" kiểu một chiều với thế giới về cách nhìn của mình đối với những tranh chấp chủ quyền - Ảnh: Twitter |
Hôm 19-8, tác giả Mary-Ann Russon đã có bài viết trên báo International Business Times có tựa đề "Trường hợp lạ lùng của bản đồ Google Maps tại Trung Quốc: Tại sao nó lại thiếu chính xác đến như vậy?".
Ngay mở bài, tác giả khuyến cáo: "Nếu muốn xem bản đồ Trung Quốc trên mạng, tốt hơn bạn không nên dùng Google Maps vì thông tin trên này thường vô cùng không chính xác".
Tác giả cho biết lý do các bản đồ của Trung Quốc khác biệt với thế giới là vì chính quyền Bắc Kinh xem thông tin địa lý về nước mình là "một vấn đề an ninh quốc gia" vì vậy các hoạt động lập bản đồ và khảo sát riêng tư đều là bất hợp pháp tại lãnh thổ Trung Quốc.
Tác giả Russon cũng cho biết theo blog Metrocosm, nếu nhìn vào bản đồ Đông Nam Á phiên bản Trung Quốc, dường như Trung Quốc đang sở hữu phần lớn Biển Đông, bao gồm gần như toàn bộ vùng biển quanh Malaysia, Việt Nam và Phillipines.
Có thể thấy thông tư mới nhất của giới chức trách Trung Quốc là một kiểu phản ứng tiếp theo trong chuỗi phản ứng bất chấp công lý quốc tế sau phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận