26/08/2020 15:25 GMT+7

Vì sao Trung Quốc luôn dễ dàng có mặt trong Tòa quốc tế về Luật biển?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Theo cựu thẩm phán Hải quân Mỹ Jonathan G. Odom, vấn đề trong cơ chế bỏ phiếu của Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) giúp thẩm phán Trung Quốc tại ITLOS trong suốt 25 năm qua.

Vì sao Trung Quốc luôn dễ dàng có mặt trong Tòa quốc tế về Luật biển? - Ảnh 1.

Trụ sở của Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) ở Hamburg, Đức - Ảnh: ITLOS

ITLOS được thành lập vào năm 1996, tức 2 năm sau khi Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 có hiệu lực (16-11-1994), nhằm giải quyết các tranh cãi trong việc diễn giải và áp dụng công ước. Tòa án bao gồm 21 thẩm phán có nhiệm kỳ 9 năm. Mỗi 3 năm, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), toàn bộ 168 thành viên của UNCLOS sẽ bỏ phiếu bầu ra 7 thẩm phán mới.

Phân bổ theo khu vực địa lý

Theo quy định của ITLOS, các ứng viên thẩm phán phải do các thành viên UNCLOS đề cử và cần 2/3 phiếu bầu của các thành viên để trúng cử. Các thẩm phán phải được bầu từ những người nổi tiếng nhất về sự công bằng, chính trực và có năng lực được công nhận trong lĩnh vực luật biển.

Việc lựa chọn các thẩm phán cũng cần đảm bảo phân bổ theo khu vực địa lý. ITLOS hiện có 5 thẩm phán thuộc khu vực châu Phi, 5 thẩm phán châu Á, 3 thẩm phán Đông Âu, 4 thẩm phán Mỹ Latin và vùng Caribe, 4 thẩm phán Tây Âu và và các nước khác.

Theo kết quả bỏ phiếu mới nhất ngày 24-8, các ứng cử viên của Malta, Ý, Trung Quốc, Chile, Cameroon và Ukraine trúng cử ngay vòng đầu tiên. Trong đó, ứng cử viên David J. Attard của Malta đạt số phiếu cao nhất, với 160/166 phiếu.

Đại diện của phía Trung Quốc là ông Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long), đại sứ Trung Quốc tại Hungary, trúng cử trong sự phản đối của Mỹ.

Hiện vẫn còn một ghế trống cho nhóm Mỹ Latinh và Caribe, và vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức ngày 25-8, chọn giữa hai ứng viên của Jamaica và Brazil.

Cần cải tổ

Theo thẩm phán Mỹ Jonathan G. Odom, phụ lục VI của UNCLOS yêu cầu ITLOS phải bao gồm ít nhất 3 thẩm phán thuộc 5 nhóm khu vực do Đại hội đồng LHQ xác lập. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của ITLOS, các thành viên đã nhất trí với đề xuất chọn 5 thẩm phán từ mỗi nhóm châu Phi, châu Á, 4 thẩm phán từ nhóm Mỹ Latin và Caribe, 4 thẩm phán từ nhóm Tây Âu và các nước khác, 3 thẩm phán từ nhóm Đông Âu.

Theo ông Odom, điều này góp phần tạo ra tình thế giúp Trung Quốc dễ dàng có ghế trong ITLOS mà không vấp phải nhiều sự cạnh tranh. Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên năm 1996 với 33 ứng viên, đại diện Trung Quốc đã không phải cạnh tranh với toàn bộ mà chỉ với 7 ứng viên của châu Á. 

Nhưng với thỏa thuận chọn 5 ứng viên khu vực châu Á, Trung Quốc thật ra chỉ cần phiếu bầu cao hơn 2 quốc gia là đủ. Ứng viên của nước này nhận được đủ số phiếu ở vòng bỏ phiếu thứ 6 và sau khi Sri Lanka rút lui.

Đây cũng là lần duy nhất Trung Quốc phải cạnh tranh trong cuộc bỏ phiếu của ITLOS. Năm 2000, khi thẩm phán Trung Quốc Lihai Zhao trong nhiệm kỳ, Trung Quốc là thành viên duy nhất đề cử ông Guangjian Xu để thay thế và đương nhiên được chọn. Trong cuộc bỏ phiếu năm 2002, Bắc Kinh tái đề cử ông Xu khi ITLOS đã có 4 thẩm phán châu Á và ông Xu cũng là ứng viên duy nhất từ khu vực này. Không có gì ngạc nhiên khi ông Xu trúng cử từ vòng đầu tiên.

Kịch bản lặp lại khi ông Xu từ chức năm 2007 và Trung Quốc là quốc gia duy nhất đề cử ứng viên thay thế là Zhiguo Gao. Khi ông Gao được tái đề cử trong đợt bỏ phiếu 2011, ông cũng là ứng viên châu Á duy nhất khi ITLOS đã có 4 thành viên thuộc khu vực này.

Tiếp tục, khi ông Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long) được đề cử trong cuộc bỏ phiếu năm nay, ông cũng là ứng viên duy nhất từ khu vực châu Á.

Theo đó, cựu thẩm phán Mỹ Odom cho rằng cần xem xét lại việc phân bổ theo khu vực địa lý khi bầu thẩm phán ITLOS và cải tổ lại việc bỏ phiếu, phân vùng khu vực châu Á thành các khu vực nhỏ hơn để chọn đại diện.

"Liệu rằng 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á, đều nằm ở đông bắc Á (là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), có thể đại diện hiệu quả cho một khu vực địa lý đa dạng như châu Á?", ông Odom đặt câu hỏi trên trang Lawfare.

Đại diện Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển Đại diện Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển

TTO - Với việc ứng viên Đoàn Khiết Long được chọn, Trung Quốc sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên