22/10/2024 11:10 GMT+7

Vì sao Trung Đông nóng bừng bừng mà giá dầu lại giảm?

Dù mỏ dầu Trung Đông đang có nguy cơ bén lửa bởi sức nóng của chiến sự nhưng sức ép từ nhu cầu năng lượng giảm đã khiến giá dầu không 'sôi', thậm chí 'nguội' trong tuần qua.

Trung Đông 'nóng', giá dầu lại 'nguội' - Ảnh 1.

Xếp hàng mua nhiên liệu ở Chennai, Ấn Độ. Giá dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ - Ảnh: AFP

Đầu tuần này, giá dầu thô đã giảm mạnh do sự hội tụ của nhiều yếu tố tác động mạnh đến tâm lý thị trường. Mối lo ngại về nhu cầu yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc, và rủi ro nguồn cung ở Trung Đông được xoa dịu là hai nguyên nhân chính gây áp lực giảm giá. Xu hướng này được dự báo trong ngắn hạn.

Rủi ro địa chính trị

Ngày 21-10, giá dầu duy trì mức ổn định sau đợt trượt dốc cuối tuần trước với giá dầu Brent vào khoảng 73,49 USD/thùng và giá dầu West Texas Intermediate (WTI) tại Mỹ là 69,7 USD/thùng, theo Hãng tin Reuters. Cuối tuần trước, dầu chốt giá lần lượt là 73,06 và 69,22 USD/thùng sau khi đã giảm 7% trong tuần.

Rủi ro địa chính trị đóng vai trò đáng kể trong biến động giá dầu tuần này. Những ngày qua là quãng thời gian căng thẳng và hiếu chiến nhất ở Trung Đông kể từ khi nổ ra chiến sự ở Gaza một năm trước.

Israel đã mở rộng cuộc chiến sang Lebanon chống lại nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn dẫn đến đợt tấn công bằng tên lửa của Tehran vào Israel hồi đầu tháng 10. Thị trường căng như dây đàn trước nguy cơ Tel Aviv trả đũa vào các cơ sở dầu mỏ của Iran làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá dầu tăng hơn 9% trong tuần tiếp theo đó.

Sau khi Israel diệt thủ lĩnh Yahya Sinwar của phong trào Hồi giáo Hamas, Hezbollah cuối tuần trước tuyên bố họ đang chuyển sang giai đoạn mới và sẽ leo thang giao tranh với quân đội Tel Aviv. Diễn biến này xóa tan hy vọng căng thẳng sẽ hạ nhiệt ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã bớt bất an sau khi có thông tin Mỹ đã thuyết phục Israel tránh tấn công hạ tầng dầu mỏ của Iran. Ngày 18-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông đã nắm được thời điểm và cách thức mà Tel Aviv sẽ phản công, tuy nhiên ông vẫn nhìn thấy cơ hội giải quyết xung đột.

"Theo quan điểm của tôi và các đồng nghiệp của tôi, có một cơ hội là chúng ta có thể giải quyết với Israel và Iran theo cách chấm dứt xung đột trong một thời gian. Điều đó chấm dứt xung đột, nói cách khác là ngăn tấn công qua lại", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Biden.

Tin tức này đã giúp giảm đáng kể "phí bảo hiểm chiến tranh" và đưa giá dầu hạ nhiệt.

Bức tranh toàn cầu

Căng thẳng ở Trung Đông dịu đi trùng với đánh giá đáng lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu. Một loạt báo cáo từ các tổ chức lớn như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, càng khiến triển vọng thêm bi quan.

Giữa tháng này, OPEC đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu xuống còn 1,93 triệu thùng/ngày cho năm 2024, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, IEA thậm chí còn bi quan hơn khi dự báo tăng trưởng nhu cầu chỉ là 900.000 thùng/ngày vào năm tới.

Các quốc gia trên khắp thế giới đang vật lộn với những thách thức kinh tế và điều này làm ảnh hưởng đến các mô hình tiêu thụ năng lượng. Nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm 2023. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch đáng kể trong lĩnh vực giao thông của quốc gia tỉ dân này với lượng xe điện bán ra tăng kỷ lục 42% trong tháng 8-2024.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm nay đã giảm 3%, theo Reuters. "Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu cải thiện tạm thời, nhưng các cuộc họp báo gần đây về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung khiến những người tham gia thị trường không mấy ấn tượng", chuyên gia Rishi Rajanala thuộc Công ty cung cấp dịch vụ chiến lược Aegis Hedging đánh giá trên Reuters.

Trong lúc nhu cầu giảm, nguồn cung được dự đoán sẽ dồi dào trong thời gian tới. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục là 13,5 triệu thùng/ngày, và sản lượng tăng ở một số nước như Brazil, Canada, càng làm thị trường yên tâm hơn.

"Hiện tại, nguồn cung vẫn tiếp tục chảy, và nếu không có sự gián đoạn lớn nào xảy ra, thị trường sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa đáng kể trong năm mới", tờ Guardian dẫn nhận định của IEA. Điều này cũng sẽ là tấm đệm giảm bớt chấn động trong trường hợp leo thang xung đột ở Trung Đông.

Tác động của giá dầu lên kinh tế

Theo giới phân tích, quỹ đạo của giá dầu có thể sẽ phụ thuộc vào sự tương tác giữa căng thẳng kinh tế và địa chính trị. Theo đó, triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn và bất kỳ sự tiêu cực nào cũng có thể làm trầm trọng thêm sự sụt giảm giá dầu. Ngược lại, bất kỳ sự leo thang nào về căng thẳng địa chính trị cũng sẽ giật ngược giá dầu.

"Khi thị trường toàn cầu tiếp tục điều chỉnh, những người ra quyết định sẽ cần theo dõi chặt chẽ các động thái này và chuẩn bị cho sự khó lường hơn nữa trên thị trường dầu mỏ", chuyên gia Andrea Zanon, nhà sáng lập Tổ chức Confidente, đánh giá.

Trong kịch bản xấu nhất khi xung đột lan rộng dẫn đến Iran đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển huyết mạch của dầu mỏ, giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Không chỉ giá dầu tăng, các mặt hàng khác như vàng và đồng USD cũng có thể chịu cú sốc và tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.

Bình luận trên tờ The New Arab, nhà phân tích Zeeshan Shah của tổ chức FINRA cho rằng nước hưởng lợi lớn nhất từ giá dầu tăng sẽ là Saudi Arabia, các nước vùng Vịnh và đặc biệt là Nga.

Ngược lại, những nước chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là các nước tiêu thụ dầu như Pakistan và Bangladesh - nơi giá dầu tăng đột ngột có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế mong manh của những nước này.

Trung Đông 'nóng', giá dầu lại 'nguội' - Ảnh 2.Giá dầu thô giảm mạnh

Ngày 15-10, giá dầu thô đã giảm hơn 5% sau khi có thông tin Israel sẽ không tấn công các cơ sở dầu thô hoặc hạt nhân của Iran.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên