Các bệnh viện phải tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... để đáp ứng nhu cầu điều trị trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng cao hiện nay.
Bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang
Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) trưa 24-10, số giường cơ hữu của khoa đã kín trẻ nằm điều trị. Bệnh viện phải kê thêm giường dọc hành lang, tăng thời gian trẻ lưu khoa cấp cứu hoặc chuyển về một số khoa giường trống, đảm bảo nguyên tắc tránh lây lan.
Điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng thành phố bốn ngày và trước đó đã điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé N.N.H. (11 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa hết viêm phổi. Bà ngoại bé chia sẻ: "Ở nhà bé nóng sốt nhưng uống thuốc hoài không hết. Lúc đầu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng đông quá nên chủ động chuyển qua đây".
Sau một tuần điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sáng 25-10 bé N.C.M.Đ. (1 tuổi, ngụ quận 7) trở lại nhập viện vì viêm phổi tái phát. Cùng bé Đ., còn nhiều trẻ khác đang chờ nhập viện. Trong phòng cấp cứu của khoa, giường bệnh đã chật kín trẻ nặng, nhiều trẻ phải hỗ trợ đường thở.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho hay bệnh nhi đang điều trị tại khoa chủ yếu bị nhiễm trùng đường hô hấp (viêm hô hấp dưới, viêm phổi, viêm tiểu phế quản...).
Vượt đường xa từ Đắk Lắk đến Bệnh viện Nhi đồng 2, hai con song sinh vừa tròn 1 tháng tuổi của chị N. đều tạm ổn sau sáu ngày điều trị viêm phổi. Ngồi cùng con trên võng được bệnh viện đặt dọc hành lang, chị N. chia sẻ: "Thấy hai con ho, sốt, thở khò khè, co rút lõm lồng ngực nên gia đình đưa con từ quê đến đây điều trị. Quá tải nhưng an tâm hơn điều trị ở địa phương".
Nhiều trẻ chuyển nặng phải thở máy, ECMO
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết trong tháng 10 đã tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ đến thăm khám mắc bệnh đường hô hấp, trong số này có khoảng 7-8% trẻ chuyển nặng (khó thở, thở rút lõm ngực, thở nhanh, tím tái...) phải nhập viện điều trị.
Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú khoảng 300 bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó khoa hô hấp có 160 trẻ và có khoảng 150 trẻ nằm tại các khoa nội tổng hợp, tiêu hóa, tim mạch, ngoại... Đa số trẻ đều đáp ứng điều trị, tuy nhiên vẫn có khoảng 10% trẻ nhập viện diễn biến nặng, phải thở NCPAP, thở máy, thậm chí dùng ECMO.
So với cùng kỳ năm ngoái, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố tăng gấp 1,5 lần. Bác sĩ Tiến dự báo bệnh vẫn còn tăng và kéo dài đến Tết bởi vì lúc này thời tiết sẽ chuyển lạnh, khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn, viêm phế quản.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo - phó khoa hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết số ca hô hấp tại khoa tăng trong ba tuần gần đây. Hiện khoa có 217 giường bệnh và đang điều trị khoảng 270 bệnh nhi, những ngày đầu tuần tăng lên gần 300 trẻ. So với thời gian trước, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp nhập viện điều trị hiện nay tăng lên 30-40%.
Riêng phòng cấp cứu có khoảng 20-22 bệnh nhi nặng, một số trẻ có bệnh nền (bệnh lý não bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính...) có xu hướng chuyển nặng trong đợt bệnh hô hấp này, có ca phải chuyển phòng hồi sức để thở máy.
Phụ huynh chú ý dấu hiệu chuyển nặng
Trước tình hình số trẻ mắc bệnh tăng nhanh, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng thành phố phải tăng thêm khối lượng công việc, đảm bảo việc chăm sóc, điều trị, tiếp nhận bệnh nhi.
Ngoài khoa hô hấp, bệnh viện tạm sử dụng những khu vực được tách riêng tại khoa nội tổng hợp, ngoại, tai mũi họng... đáp ứng nhu cầu tăng cao trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Tại khâu sàng lọc bệnh, chỉ định nhập viện phải chặt chẽ, tránh tình trạng nhập viện quá nhiều dẫn đến quá tải, chăm sóc trẻ không được chu đáo, ảnh hưởng chất lượng và hiệu quả chăm sóc.
Với số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng 30-40%, bác sĩ Thảo cho biết bệnh viện lên phương án cho trẻ xuất viện ngày chủ nhật, tăng cường điều trị trong ngày. Một số giường cho trẻ nằm ghép, dọc hành lang kê thêm giường bệnh, võng, giường xếp.
Việc phụ huynh nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp sẽ giảm quá tải bệnh viện, hạn chế chuyển nặng. Tuy nhiên theo bác sĩ Tuấn, hiện nhiều phụ huynh còn sai lầm trong việc đánh giá các dấu hiệu về hô hấp của trẻ.
"Phụ huynh chỉ quan tâm đến triệu chứng ho, nhưng mức độ nặng nhẹ của bệnh hô hấp không song hành với mức độ ho, không phải ho nhiều là bệnh nhiều, ho ít là bệnh ít. Quan trọng là trẻ thở như thế nào. Thở nhanh là dấu hiệu sớm nhất báo hiệu trẻ bị viêm phổi, thở co rút lõm lồng ngực báo hiệu trẻ viêm phổi nặng, phải nhập viện gấp", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Vì sao bệnh hô hấp năm nay tăng kéo dài?
* Bác sĩ có thể lý giải nguyên nhân bệnh hô hấp năm nay tăng kéo dài?
- Bác sĩ Trần Anh Tuấn: Số ca hô hấp tăng hiện nay tại khoa là theo quy luật hằng năm khi miền Nam bước vào mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 10).
"Tình hình tăng ca hô hấp trong thời điểm hiện nay là theo tính chất quy luật, nhưng có điều khác biệt so với mọi năm là đến tháng 10 bệnh sẽ giảm dần, nhưng nay đã cuối tháng 10 nhưng vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều khả năng nguyên nhân vì mùa mưa năm nay kéo dài hơn và nhiều hơn mọi năm", bác sĩ Tuấn nêu ý kiến.
* Phòng bệnh và điều trị cho trẻ tại nhà ra sao?
- Theo các bác sĩ, hầu hết trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp đều có thể tự khỏi khi được ba mẹ chăm sóc theo dõi tốt: hạ sốt cho trẻ, vệ sinh mũi miệng, dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và mau chóng lành bệnh. Khi có dấu hiệu chuyển nặng nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Để phòng bệnh, cần bảo vệ trẻ tránh sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Khi mưa, cho trẻ mặc đủ ấm, tránh gió lùa; khi nắng cần dùng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh, điều hòa hợp lý.
Không để trẻ tiếp xúc, ở gần với những người đang mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ có bệnh nền như bại não, tim bẩm sinh... Thường xuyên rửa tay cho trẻ, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, ăn đủ chất, uống đủ nước, tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận