25/09/2022 11:14 GMT+7

Vì sao trẻ chậm nói, trầm cảm trong môi trường quốc tế?

TS PHƯƠNG NGUYỄN
TS PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Không chỉ người lớn khó khăn khi hội nhập quốc tế, ngày nay con cái chúng ta cũng sớm phải đối mặt với vấn đề này, và hậu quả sẽ khôn lường nếu cha mẹ không thấu cảm và giúp con tháo gỡ sớm.

Vì sao trẻ chậm nói, trầm cảm trong môi trường quốc tế? - Ảnh 1.

Thể thao là môn học được coi trọng hàng đầu tại các trường cấp I ở Đức, nên sân bãi trong và ngoài trời được trang bị đạt chuẩn quốc tế để thu hút các em tham gia - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Khi trong gia đình có người dùng một hay nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, khi con theo học tại trường quốc tế trong hay ngoài nước, đó là lúc trẻ đối mặt những khó khăn lớn trong hội nhập mà nguyên nhân không chỉ là rào cản ngôn ngữ. 

TS giáo dục Phương Nguyễn tại ĐH Frankfurt Goethe Universität (Đức), thành viên châu Âu Hiệp hội Giáo dục quốc tế HETL, gửi tới Tuổi Trẻ bài phân tích về vấn đề này.

Hoang mang khi trẻ chậm nói

Hiện nay, nhiều cha mẹ cho con tiếp cận tiếng nước ngoài từ bé với mong muốn trẻ sớm có năng lực ngoại ngữ. Nhưng một thực tế khiến nhiều người hoang mang là việc con họ bị chậm nói so với các bạn cùng trang lứa.

Chị Hoa, 35 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân (Hà Nội), đã rất lo lắng khi cậu con trai 3 tuổi vẫn chưa biết nói một câu đơn giản, chỉ thỉnh thoảng ê a vài từ không rõ nghĩa. Sau khi đưa con đi kiểm tra, chị được bác sĩ cho biết con chị "vô cùng" bình thường, bé chậm nói chỉ vì "loạn ngôn ngữ". 

Hỏi ra mới biết từ khi bé ra đời chị Hoa đã luôn cho con xem các chương trình thiếu nhi tiếng Anh. Chị cũng thường nói chuyện với con lúc tiếng Anh lúc tiếng Việt với mong muốn con sớm có ngôn ngữ thứ hai.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả trong các gia đình sống tại nước ngoài, nếu cha mẹ dùng nhiều thứ tiếng, trẻ cũng gặp vấn đề tương tự. Chị Linh, 40 tuổi, đang sống tại Paris có chồng là người Pháp gốc Đức. Chồng chị nói được tiếng Đức và Pháp, trong khi chị Linh thành thạo ba tiếng Pháp, Anh, Việt. Vì thế, các con họ sớm phải tiếp xúc cùng lúc bốn thứ tiếng trong nhà.

Với đứa con đầu lòng, chị Linh khá lo lắng khi cậu bé tới 4 tuổi vẫn gần như không nói rõ thành câu của bất cứ ngôn ngữ nào. Tiếng nào cũng dở nên chị phải đưa con tới lớp luyện tiếng Pháp để chuẩn bị cho bé đi học. 

Trải qua hai năm căng thẳng, khi chỉ còn vài tháng nữa tới ngày tựu trường, thằng bé tự nhiên nói nhiều như cái máy khâu ở cả bốn ngôn ngữ. Chị vỡ òa trong niềm vui khi con không còn lắp bắp như trước. Phụ huynh các bạn con cũng ngạc nhiên và mừng cho chị.

Lý giải về hiện tượng này, bà Deborah Ruuskanen - giáo sư ngôn ngữ tại Đại học Vaasa (Phần Lan), cũng là mẹ của ba đứa trẻ song ngữ - cho biết "với những trẻ sống trong môi trường song hoặc đa ngôn ngữ, trước tiên chúng sẽ phải học cách xử lý và phân tách các ngôn ngữ khác nhau rồi mới bắt đầu nói chuyện. Do đó việc chậm nói ở những trẻ này là điều hoàn toàn dễ hiểu".

Tôi cũng đồng tình với lý giải này, bởi những trẻ tiếp cận song hay đa ngôn ngữ sẽ học đọc nhanh hơn các bé đơn ngữ khi đến trường. Những trẻ có từ hai ngôn ngữ trở lên có năng lực phân loại âm thanh rất tốt ngay từ khi lọt lòng nhờ môi trường đa ngôn ngữ. 

Điều này cũng lý giải vì sao khi trẻ biết từ hai ngôn ngữ lúc nhỏ thì sau đó việc học các ngoại ngữ khác cũng thuận lợi hơn.

Khác biệt văn hóa

Hòa nhập môi trường quốc tế đa văn hóa là thử thách vô cùng khó khăn. Chị Mai, 35 tuổi, sống tại Berlin, kể các con chị từ khi đi học mẫu giáo tới nay vẫn chỉ thường chơi với các bạn gốc Việt. Cũng may ở Berlin cộng đồng người Việt khá đông nên con chị dễ dàng tìm được bạn chơi và thấy vui khi tới lớp.

Ngược lại, chị Hồng, 46 tuổi, sống tại thành phố Schweinburg của Áo và là mẹ của bé gái 8 tuổi đã vô cùng lo lắng khi con không thể tìm được bạn ở trường. Bé vốn rất vui vẻ và dễ thương nhưng tại nơi chị ở bé là người gốc Việt duy nhất. Chị rất thương và lo lắng khi càng lớn con chị càng nhận ra sự khác biệt và mất dần niềm vui tới lớp.

Sự việc tương tự xảy ra khi các bố mẹ ở Việt Nam sớm đưa con ra nước ngoài du học. Anh Tuấn từng có thời gian sang Đức theo dạng đầu tư nên bảo lãnh cô con gái 10 tuổi từ Việt Nam sang. Nhưng khi vào trường, cô bé gần như bị cô lập. Một phần vì tiếng chưa thạo nên các bạn Đức không hào hứng kết giao. Một phần vì văn hóa khác biệt khiến con anh cảm thấy khó cởi mở ngay cả với các bạn gốc Việt cùng lớp.

Suốt một năm, dù kết quả học tập khá tốt nhưng cô bé vẫn luôn cảm thấy đơn độc, nhất là vào giờ giải lao khi phải "lủi thủi" một mình vì không nhóm nào "thu nạp". Tâm sự an ủi đủ cách nhưng tinh thần cô bé không tiến triển, anh Tuấn đành đưa con trở lại Việt Nam.

Theo tôi, mấu chốt của việc khó hội nhập này nằm ở cách thức hòa nhập của "ta" và "Tây" hoàn toàn khác biệt. Người Việt nói riêng và người châu Á nhìn chung có thói quen sau khi nói chuyện "hợp gu" rồi mới phát sinh các hoạt động văn hóa thể thao theo nhóm. 

Trong khi người phương Tây lại xuất phát từ nhu cầu phát triển sở thích và năng khiếu cá nhân mà tụ lại thành hội nhóm, rồi từ đó mới nảy sinh các quan hệ xã hội.

Xây dựng năng lực tự tin cho trẻ

Mấu chốt để trẻ hòa nhập thuận lợi hơn ở trời Tây là hãy giúp các em khám phá sở thích và năng khiếu. Khi các em tự tin tỏa sáng, tự khắc các quan hệ xã hội sẽ nảy sinh.

Khi các bé đến tuổi đi học, cha mẹ có thể cho con tham gia các môn thể thao và năng khiếu nghệ thuật mang tính đồng đội như bóng đá, đi bộ đường dài, bơi lội, bóng bàn. Từ việc rèn luyện ngoại khóa tập thể, các em sẽ thể hiện bản thân tự tin hơn.

Đây cũng là điều khiến các bạn khác muốn kết thân để học hỏi và chia sẻ một cách tự nhiên nhất, từ đó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bản địa hoàn thiện nhất.

1.001 sắc thái hài hước khi… chụp ảnh thẻ nhập học trường quốc tế 1.001 sắc thái hài hước khi… chụp ảnh thẻ nhập học trường quốc tế

Là ‘truyền thống’ của Trường Song ngữ Quốc tế Hoàng Gia (Royal School), khi đến trường làm thủ tục nhập học và hoàn tất hồ sơ chuẩn bị cho năm học mới, các em sẽ chụp ảnh để làm thẻ học sinh.

TS PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên