Sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2003, Hà Nội có cơ hội lần thứ hai đăng cai SEA Games - Ảnh: QUANG THẮNG
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND TP.HCM tại phiên họp thường trực Chính phủ hôm 9-7, dù rất muốn đăng cai SEA Games 31 nhưng TP.HCM không đủ thời gian chuẩn bị nên xin rút.
Tiếc cho thể thao thành phố
Đầu năm 2017, trong cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Thiện - bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - ủng hộ TP.HCM đăng cai SEA Games 31 năm 2021.
Sau đó, UBND TP.HCM giao Sở VH-TT thành phố xây dựng đề án công phu, tỉ mỉ để chính thức xin đăng cai đại hội.
Ngày 5-1-2018, UBND TP.HCM có tờ trình số 34 trình Thủ tướng và Bộ VH-TT&DL xem xét phê duyệt đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại TP.HCM. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 15.612 tỉ đồng.
Trong số đó kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc là 8.136 tỉ, chi trực tiếp cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 là 7.476 tỉ.
Trong số tiền phải chi trực tiếp cho SEA Games 31, kinh phí được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa là 5.105 tỉ.
Sau khi TP.HCM có tờ trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cho ý kiến về đề án.
Bộ VH-TT&DL đồng ý với đề án TP.HCM đăng cai đại hội. Tuy nhiên, một số đơn vị khác, trong đó có Bộ Tài chính, băn khoăn với một số hạng mục đầu tư xây dựng công trình phục vụ SEA Games 31.
Cụ thể, theo đề án của TP.HCM, một trong những khó khăn trong việc đăng cai SEA Games 31 là Chính phủ chưa có chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động tài trợ cho lĩnh vực thể dục thể thao (tương tự như y tế và giáo dục). Các thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng còn mất nhiều thời gian.
Để tháo gỡ khó khăn, TP.HCM kiến nghị: Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế cho các tổ chức và cá nhân tham gia tài trợ SEA Games 31.
Chính phủ có cơ chế đặc biệt để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đối với đầu tư những dự án xây dựng các công trình phục vụ đăng cai SEA Games 31.
Tuy nhiên, các kiến nghị của TP.HCM chiếu theo các quy định hiện hành thì chưa thể thực hiện được. Để giải quyết câu chuyện này, ngày 13-6, ông Lê Khánh Hải - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - có cuộc làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Trong cuộc làm việc này, đại diện Bộ VH-TT&DL đã thông tin với lãnh đạo TP.HCM về những vướng mắc hiện nay để TP.HCM biết. Trong trường hợp Chính phủ không có cơ chế đặc biệt cho TP.HCM trong việc đăng cai SEA Games 31 thì TP.HCM không có đủ thời gian chuẩn bị.
Một lãnh đạo Bộ VH-TT&DL chia sẻ: "Theo quy định của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trung bình mất 16-18 tháng (một năm rưỡi), chiếm gần một nửa tổng số thời gian còn lại để thực hiện tất cả công tác chuẩn bị cho SEA Games 31.
Nếu không có cơ chế đặc thù thì với một năm rưỡi còn lại, TP.HCM không thể xây dựng cơ sở vật chất kịp cho SEA Games. Do vậy, trong cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 9-7, lãnh đạo TP.HCM đã xin rút, không đăng cai đại hội".
Hà Nội bắt tay vào xây dựng đề án
Hà Nội là địa phương đã được lựa chọn thay TP.HCM đăng cai và tổ chức SEA Games 31. Ngay trong cuộc họp ngày 9-7, thường trực Chính phủ giao Hà Nội xây dựng đề án chuẩn bị và tổ chức đại hội trình Chính phủ xem xét.
Theo Bộ VH-TT&DL, Hà Nội cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất để tổ chức SEA Games 31. Các cơ sở vật chất tại Hà Nội hiện nay cũng được bảo dưỡng, nâng cấp một bước để chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần 8 năm 2018.
Hà Nội có nhiều kinh nghiệm và đủ nguồn nhân lực để tổ chức sự kiện này vì đã tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á năm 2009.
Trước đó, vào năm 2015, Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án đăng cai và tổ chức SEA Games 31 tại VN, Hà Nội là địa phương được chọn là cơ sở để xây dựng đề án này.
Theo đề án, tổng kinh phí cho việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội là 1.757 tỉ đồng (tương đương 78 triệu USD, tại thời điểm tỉ giá USD là 22.500 VND/USD).
Trong số đó, chi phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 803 tỉ, kinh phí tổ chức SEA Games là 954 tỉ. Dự toán này được xây dựng trên điều kiện không có công trình thể thao nào được xây mới, trong trường hợp phải xây mới thì lấy từ nguồn vốn xã hội hóa.
Hà Nội hiện chưa có sân quần vợt đủ tiêu chuẩn thi đấu SEA Games. Để đáp ứng yêu cầu, Hà Nội phải có một cụm 8 - 10 sân thi đấu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đề án này, cần phải xây mới cụm sân quần vợt này, lắp khán đài di động để tiết kiệm chi phí, khoản xây sân quần vợt sẽ được đầu tư theo phương thức xã hội hóa, không tính vào chi phí của đề án.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nói dù không tổ chức SEA Games 31 nhưng TP vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thể thao.
Bà Thu nói: "TP.HCM luôn chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và vui vẻ ủng hộ địa phương được giao đăng cai tổ chức SEA Games 2021.
Thời gian tới, TP vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT của người dân TP, cũng như đủ điều kiện chia sẻ với địa phương đăng cai SEA Games 2021 nếu như có yêu cầu".
D.B.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận