Các học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2020 do báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm nay 21-6, rất nhiều băn khoăn của thí sinh, phụ huynh về cơ hội nghề nghiệp của các ngành.
Học ngành hot chưa chắc có việc làm hot
Theo ông, Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH): công nghệ thông tin, sức khỏe (điều dưỡng) và du lịch là 3 lĩnh vực có nhu cầu nhân lực rất lớn hiện nay.
Tuy nhiên, ngoài đam mê, sở thích, các bạn cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Thực tế có những ngành, chẳng hạn như công nghệ thông tin, đòi hỏi người làm việc phải liên tục cập nhật, tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh.
Chia sẻ thêm về ngành công nghệ thông tin, ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết ngành này hiện có nhu cầu nhân lực khoảng 400.000 người mỗi năm trong khi các trường chỉ có thể cung cấp được khoảng 320.000 người. Đó là chưa kể nhiều bạn tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc. Nguồn cung nhân lực thiếu nhưng không phải ai tốt nghiệp ngành này cũng có việc làm.
Lý giải điều này, ông Quán chia sẻ: chỉ riêng ngành công nghệ thông tin, TP.HCM đã có hơn 70 trường đào tạo. Với ngành này, các trường chia 3 hướng đào tạo chính là lập trình, hệ thống máy tính - kỹ thuật máy tính, mạng máy tính và an toàn thông tin. Mảng thứ 3 hiện nay được các trường đào tạo là kiểm thử phần mềm.
"Chất lượng đào tạo khác nhau nên dù nguồn cung nguồn thiếu hụt nhưng không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm, phải có chuyên môn và kỹ năng tốt. Mình cần chọn trường có thương hiệu, uy tín. Điểm chuẩn ngành này ở các trường trong năm 2019 dao động từ 15 đến 28. Theo học ngành này, sinh viên phải có đam mê đủ lớn, học tập liên tục, tái đào tạo liên tục bởi nếu sau 3 năm không cập nhật sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh" - ông Quán nói thêm.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu về xe ô tô cũng tăng. Đó là lý do ngành ô tô phát triển, đòi hỏi nhiều nhân lực làm việc. Phạm vi ngành nghề giờ rất rộng, học ngành này nhưng có thể làm việc ở lĩnh vực khác như học ô tô có thể làm ở hải quan, sân bay, khách sạn…
Tuy nhiên, dự báo 4 năm nữa sẽ có tình trạng dư thừa nhân lực ngành này. Theo ông Dũng, hiện nay hầu như trường kỹ thuật nào cũng mở ngành ô tô. Có trường tuyển vài trăm nhưng có trường tuyển đến cả ngàn chỉ tiêu, chất lượng khó đảm bảo. Do đó, tuy nhu cầu nhân lực rất cao nhưng không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm, nhất là trong vài năm tới.
Trúng tuyển nhưng nghèo thì có vào được Trường ĐH Y dược TP.HCM?
Thầy Nguyễn Phúc Viễn đại diện cho 700 học sinh trường THPT Chợ Gạo đặt câu hỏi với các thầy cô tư vấn - Ảnh: TỰ TRUNG
Thầy Nguyễn Phúc Viễn đại diện cho 700 học sinh Trường THPT Chợ Gạo đặt câu hỏi với các thầy cô tư vấn: "Trường ĐH Y dược TP.HCM tăng học phí, học trò quê tôi nghèo lắm, vậy khi trúng tuyển có được giảm học phí? Có em học rất giỏi mà phân vân nghèo quá thì làm sao, thầy cô chúng tôi ai cũng đau đáu, thương trò nhưng không biết phải thế nào?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM trả lời: "Nhà trường công bố công khai để án tuyển sinh, dự kiến tăng so với năm 2019. Ngành răng - hàm - mặt học phí dự kiến 70 triệu/năm; ngành y khoa dự kiến học phí 68 triệu/năm và hằng năm tăng 10% nhằm giúp phụ huynh học sinh biết ngay từ đầu để chọn trường.
Cơ sở để tăng học phí là Trường ĐH Y dược TP.HCM là trường duy nhất trong 11 trường đại học của Bộ Y tế tự chủ đại học. Là trường tiên phong thay đổi chất lượng đầu vào và tiếp tục dẫn đầu trong trường ngành y tế".
Thầy Khôi cũng dẫn thêm dẫn chứng ngành răng - hàm - mặt hướng đào tạo thiên về thực hành, từng em sẽ được phụ trách một răng có giáo viên theo dõi, sẽ khác so với 2 em quan sát, 1 em thực hành.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược TP.HCM - lý giải về việc tăng học phí của trường trong năm học 2020-2021 - Thực hiện: TRỌNG NHÂN
"Suy nghĩ để ta chọn trường, nhưng trường muốn truyền thông điệp: không có học sinh giỏi, con nhà nghèo trúng tuyển vào trường mà không được vào học. Trường có 15 tỉ đồng hỗ trợ cho học sinh trúng tuyển có hoàn cảnh khó khăn. Sẽ có 800 suất học bổng cho năm đầu và các em phải giữ được "phong độ", năng lực để duy trì học bổng trong 6 năm", PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi cam kết.
Cũng quan tâm đến học phí, nhiều học sinh dự ngày hội tại Hà Nội đặt câu hỏi muốn trở thành bác sĩ đa khoa học bao năm, chuyên ngành đào tạo thế nào, học phí bao nhiêu? GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh: "Học y học thời gian đào tạo rất dài, khổ, khó nhất trong các ngành học. Nếu thí sinh thực sự yêu ngành y hẵng theo.
Thời gian học cử nhân là 4 năm, ĐH là 6 năm. Sau đó muốn hành nghề thành thạo phải học thêm sau ĐH, hệ bác sĩ nội trú là 3 năm; học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 khoảng 3-4 năm nữa.
Các em xác định muốn hành nghề y cần được đào tạo 9-10 năm đối với hệ bác sĩ. Học phí đối với các trường y theo quy định chung của Chính phủ, trừ trường tự chủ, học phí cân đối với chi phí đào tạo. Trường ĐH Y Hà Nội vẫn giữ mức học phí như những năm trước".
Học trí tuệ nhân tạo làm việc gì?
Một lĩnh vực khác là robot và trí tuệ nhân tạo cũng được phụ huynh quan tâm về ứng dụng của ngành học này. TS Hồ Nhựt Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng robot.
Chẳng hạn ngày nay, khi điều khiển tivi, chúng ta không cần bấm mà chỉ cần ra lệnh. Tương tự ở nhiều lĩnh vực khác, khi vận hành móc thiết bị người ta chỉ ra lệnh chứ không cần sử dụng tay nữa. Robot và trí tuệ nhân tạo đào tạo kỹ sư không chỉ vận hành robot mà còn thiết kế và vận hành các máy móc, ra lệnh và trao đổi trực tiếp với máy móc.
Học sinh THPT hào hứng tham gia buổi tư vấn tuyển sinh nhóm nghành: Khoa học xã hội , ngoại ngữ, y dược, sư phạm, công an , quân đội ... Ảnh: TỰ TRUNG
Xét tuyển kết hợp thế nào?
Nhiều học sinh tại ngày hội ở Hà Nội quan tâm đến các phương thức "kết hợp xét tuyển". Theo các thầy trong ban tư vấn, trong phương thức xét tuyển của nhiều trường ĐH, học viện năm nay kết hợp áp dụng nhiều chính sách, hình thức. Cụ thể là xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét dựa trên các tiêu chí như chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, có giải thưởng ở những lĩnh vực khác nhau trong các cuộc thi trí tuệ…
"Các bạn cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để biết nội dung cụ thể, trong đó chú ý để tỉ lệ chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức xét tuyển để cân nhắc lựa chọn đăng ký xét tuyển" - Ths Mạc Văn Tạo, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân trao đổi.
Ngành khoa học xã hội bị lép vế?
Sự phát triển của kỹ thuật công nghệ khiến cho nhiều người trẻ muốn chọn những nghề liên quan lĩnh vực này, vậy thì khoa học xã hội có bị lép vế, tụt hậu không?. Trả lời câu hỏi này của thí sinh, Ths Nguyễn Văn Hồng - Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn cho rằng: "Xã hội càng phát triển thì các ngành khoa học xã hội càng được quan tâm. Ví dụ như ngành tâm lý học, khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu chăm sóc tinh thần càng cao hơn và ngành như tâm lý học ngày càng có vị thế quan trọng.
Thầy Hồng cũng cho biết ngoài các ngành đang "hot" như báo chí - truyền thông thì rất nhiều ngành khác thuộc khối khoa học xã hội sẽ có vị thế cao trong tương lai như các ngành công tác xã hội, xã hội học.
Ths Nguyễn Văn Hồng - Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn - Ảnh: CHÍ TUỆ
PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ thêm nhiều trường đang đi theo xu hướng tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực khác nhau bằng công nghệ. Ví dụ ứng dụng công nghệ khoa học công nghệ thông tin giải quyết các bài toán lớn hơn trong lĩnh vực khoa học xã hội. Cụ thể ở lĩnh vực kinh tế đang phải ứng dụng công nghệ vào nhiều để giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô.
Nhiều học sinh nữ giỏi toán có nguyện vọng theo ngành toán nhưng cha mẹ nói “học toán sau này ra làm gì?”. TS Nguyễn Thanh Bình - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Việc học giỏi toán cực kỳ lợi thế, thí sinh có thể học chuyên ngành toán tin, công nghệ thông tin, đặt biệt hai ngành mới là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cực “hot” rất cần thí sinh giỏi toán. Cơ hội việc làm của ngành này cũng rất rộng mở”.
Không năng động có theo báo chí được không?
Tại gian Học viện Báo chí và tuyên truyền, bạn Hải Anh (THPT Trần Phú, Hà Nội) hỏi: "Em muốn theo ngành báo chí nhưng từ nhỏ tính tình vốn nhút nhát, với nghề năng động như báo chí, phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều liệu có theo học được không?".
Tư vấn viên giải đáp: "Theo học ngành báo chí tại học viện, sinh viên không chỉ được học các kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ khi tác nghiệp mà còn có nhiều câu lạc bộ, đội nhóm, các dự án đào tạo để hỗ trợ cho các bạn sinh viên. Học viện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên phát huy tất cả kỹ năng, lợi thế cũng như khắc phục những khuyết điểm của mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận