Số liệu thống kê của công an cho thấy tỉ lệ tội phạm cướp, cướp giật giảm qua các năm và tiếp tục giảm trong quý 1-2024.
Giảm tỉ lệ tội phạm
Theo Công an TP.HCM, trong các năm 2022, 2023 và quý 1-2024, các loại tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật) trên địa bàn TP liên tiếp giảm.
Cụ thể năm 2022 tội phạm liên quan cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm 295 vụ so với năm 2021. Tiếp theo, năm 2023 tội phạm cướp, cướp giật giảm 146 vụ so với năm 2022. Tương tự, quý 1-2024 tội phạm cướp, cướp giật trên địa bàn TP.HCM xảy ra 811 vụ, giảm 99 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Trung tá Nguyễn Thành Hưng, trưởng Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cho biết Công an TP đặt ra tỉ lệ khám phá 100% nên tập trung nhiều giải pháp. Đặc biệt, ban giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo quyết liệt trong năm 2024 phải đấu tranh mạnh với tội phạm, nhất là với tội phạm đường phố.
Cụ thể hơn, trung tá Hưng cho biết lực lượng cảnh sát hình sự và các đơn vị địa phương đã tăng cường lực lượng tuần tra tại các địa bàn là điểm nóng về an ninh trật tự; tăng cường hỗ trợ cho công an cơ sở; đẩy nhanh tiến độ truy xét, bắt giữ các đối tượng, không để phát sinh các vụ việc phức tạp gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.
Đồng thời chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm hình sự; nâng cao hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ của các lực lượng chức năng gắn với đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm theo chuyên đề, tuyến, địa bàn, lĩnh vực...
Trong các giải pháp này, các lực lượng chú ý rà soát các đối tượng nghiện ma túy, người chưa có việc và có việc làm không ổn định, tiền án tiền sự...Bên cạnh đó tập trung làm rõ, xử lý những trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội...
Những giải pháp trên vừa đấu tranh xử lý kiên quyết các loại tội phạm nhưng cũng đồng thời vừa tuyên truyền, phân loại phục vụ công tác phòng ngừa, nhất là đối với tội phạm cướp, cướp giật.
Phá nhiều án nhờ trích xuất camera
Nhờ triển khai nhiều giải pháp từ đấu tranh đến phòng ngừa các loại tội phạm cướp, cướp giật mà thời gian qua có nhiều vụ án xảy ra nhưng được phá án rất nhanh. Đơn cử như vụ xông vào biệt thự cướp hơn 1 tỉ ở quận 12 xảy ra cuối tháng 4-2024.
Nhóm đối tượng cướp quen nhau trên mạng qua nhóm "vỡ nợ muốn làm liều", sau đó bàn bạc xông vào biệt thự cướp, dự tính trốn sang Campuchia tẩu thoát.
Tuy nhiên, lực lượng công an chủ động nắm bắt, xác định các đối tượng từ sớm và mật phục ba ngày để bắt gọn nhóm này.
Hay vụ trộm đột nhập cửa hàng Điện Máy Xanh trên đường số 11, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức lấy 9 điện thoại trị giá 147 triệu đồng xảy ra ngày 23-5 cũng được lực lượng công an nhanh chóng phá án, bắt đối tượng Phan Văn Dực (37 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội trộm cắp tài sản.
Chia sẻ thêm về tỉ lệ phá án cướp, cướp giật thời gian qua, trung tá Đới Ngọc Thắng - phó trưởng PC02 - cho biết ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát hình sự, thời gian qua camera đã giúp lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm rất nhiều. Điển hình như đầu năm 2024, nhờ camera của người dân cung cấp đã hỗ trợ lực lượng công an phá án nhanh vụ giết người, cướp tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Phải xử lý hiệu quả tội phạm liên quan không gian mạng
Phát biểu tại buổi khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc phá vụ cướp hơn 1 tỉ ở quận 12, thiếu tướng Mai Hoàng - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết trong thời gian tới, tình hình tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu, diễn biến hết sức phức tạp.
Thiếu tướng Mai Hoàng đề nghị các đơn vị phối hợp tốt, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, góp phần bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Trung tá Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo người dân không nên tham gia những nhóm có nội dung xấu trên mạng xã hội vì dễ bị rủ rê, lôi kéo tham gia phạm tội.
Trường hợp khi người dân bị kẻ xấu đột nhập vào nhà khống chế bằng dao, hung khí thì hết sức bình tĩnh, không nên chống cự, giằng co mà phải đảm bảo tính mạng của mình trước tiên, sau đó đến cơ quan công an gần nhất để trình báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận