Từ nhiều ngày qua, không khí ở Hội An chộn rộn. Phố cổ được trang hoàng lộng lẫy, những chuyến xe đường xa đưa người xuôi ngược mọi miền trở về phố cổ đón Tết Nguyên tiêu.
Tết Nguyên tiêu năm nay không chỉ được tổ chức quy mô lớn nhất, nhiều hoạt động nhất mà còn là một dịp đặc biệt. Sau nhiều nỗ lực giữ gìn, duy trì, bảo tồn, Tết Nguyên tiêu ở Hội An đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Tết Nguyên tiêu "ngoại nhập" nhưng được "Hội An hóa"
Rất nhiều tín ngưỡng, hoạt động lễ hội diễn ra ở các nơi khác nhưng khi được duy trì ở Hội An lại có cơ hội diễn xướng, duy trì sức sống mãnh liệt. Hội An là "đất lành" của di sản cũng một phần vì thế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn An (Quảng Nam) cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở việc lễ Tết Nguyên tiêu được diễn ra ngay di sản văn hóa Hội An.
Hội An xưa kia là thương cảng. Tết Nguyên tiêu khi tổ chức ở đây được kết hợp nhiều yếu tố, là kết quả của quá trình buôn bán thương nghiệp. Do đó Tết Nguyên tiêu khi tổ chức ở Hội An không khu biệt trong từng gia đình, làng xã cộng đồng mà có cơ hội trở thành một lễ hội lớn.
"Đây là dịp để gặp gỡ giao lưu, du xuân đầu năm và cũng để con người cầu mong thần linh ban cho những điều tốt đẹp, vạn sự như ý. Người buôn bán thì mua may bán đắt.
Nguyên tiêu là ngày thiên quan tứ phước, người ở trên trời ban cho phước đức nên ai có nhu cầu xin thì đến di tích để khấn và được thỏa nguyện" - ông An nói.
Ông Nguyễn Văn Lanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho rằng giá trị đặc trưng Tết Nguyên tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa. Dù du nhập từ bên ngoài nhưng cộng đồng cư dân Hội An khi tổ chức Nguyên tiêu lại theo một cách riêng, mang đặc trưng của cộng đồng phố cổ.
Không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng người Hoa cùng tổ chức các nghi thức tế lễ, các sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng trong dịp này, tạo thành một lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân Hội An.
Phố rực lồng đèn, bếp đỏ lửa thết đãi tinh hoa ẩm thực Tết Nguyên tiêu
Ở Hội An vào những ngày này gần như tất cả không gian khu phố cổ đều gác lại và hướng cụm vào các gia đình tứ đại đồng đường, các hội quán người Hoa, Nhật Bản…
Đường phố được trang hoàng bằng dày đặc đèn lồng, những dàn nhang khổng lồ được chưng trước các gian cửa gỗ ra vào nhà cổ, trong chánh điện và các hội quán. Người tứ phương về thắp hương, chiêm bái, cầu an, hái lộc và bốc xăm.
Dù có nhiều thay đổi, nhưng có những tập tục nổi bật và duy trì trong ngày Tết Nguyên tiêu ở phố cổ. Đó là tục vay vốn làm ăn đầu năm của những người kinh doanh buôn bán.
Vào ngày Nguyên tiêu, người buôn bán thường đến các di tích có thờ các thần bảo trợ như Thần Tài, Quan Công… để xin vay tượng trưng một ít tiền làm vốn buôn bán. Cuối năm khi chốt sổ lại công việc, người vay sẽ đến hoàn trả gốc và san sẻ khoản lời từ khoản tiền đã vay được.
Ngoài ra tục xin quẻ xăm đầu năm dù duy trì qua trăm năm nhưng tới nay vẫn thu hút nườm nượp người tại các di tích, đình chùa dịp Nguyên tiêu ở Hội An. Người dân đến các di tích để dâng hương cầu an, xin rút cho mình một lá xăm. Người giải xăm sẽ "xóc" tương ứng một lá số và tiên đoán thịnh suy, cát hung của người xin xăm.
Tết Nguyên tiêu Hội An còn diễn ra tấp nập ở rất nhiều ngôi làng quanh Hội An và là ngày hội chung. Không chỉ cầu an, bà con còn góp lễ vật, hội ngộ về để bày tỏ lòng biết ơn tiền hiền đã khai phá đất đai, khai thiên mở cõi.
Một số nơi còn làm lễ tạ ơn công đức của các tướng sĩ, những người có công lớn với vùng đất quê hương mình.
Điều thú vị là ở Hội An vào ngày Tết Nguyên tiêu vào bất cứ gia đình, hội quán nào thì du khách, bà con cũng được thết đãi những món ăn tinh hoa ẩm thực của người Hoa.
Trên các bàn cỗ dâng tổ tiên hay bàn chiêu đãi thực khách, các món ăn vốn ít có trong ngày thường có cơ hội xuất hiện trang trọng, lộng lẫy và "mãn nhãn, thỏa khẩu" thực khách như khau nhục, giò heo bát trân, vịt tiềm bát trân, bún gạo Phước Kiến, giò heo tẩy cải…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng Tết Nguyên tiêu Hội An là một di sản đặc biệt. Dù qua trăm năm nhưng luôn được cộng đồng Hội An nâng niu gìn giữ, phát huy trở thành một mỹ tục, một tập quán tốt đẹp và là "phần hồn" không thể tách rời của khu đô thị di sản.
Đây cũng là vinh dự nhưng cũng đặt ra trọng trách trong việc tận dụng di sản để phát huy văn hóa, làm giàu cho ngành du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận