Phải chăng do các thuyền trưởng chủ quan hay công tác dự báo thời tiết, kiểm soát tàu thuyền qua lại của cơ quan chức năng ở khu vực vùng biển Phú Quý chưa sát thực tế?
Do lốc xoáy vùng biển Phú Quý bất ngờ?
Theo ông Bùi Nguyên Khôi - giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Bình Thuận, ngoài các tàu chuyên dụng cứu hộ cứu nạn như SAR 413, Cảnh sát biển 6007, Hải Dương 36 thì địa phương cũng phối hợp điều các tàu cao tốc Superdong Phú Quý II, tàu cá ngư dân cùng hỗ trợ tìm kiếm ngư dân mất tích trên tàu Tuấn Tú 09 và sà lan LA-05923.
Trong đó, tàu Tuấn Tú 09 bị chìm từ chiều 11-3 tại vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 28 hải lý về hướng tây. Còn sà lan LA-05923 bị chìm từ chiều 8-3, tại vị trí cách đảo khoảng 17 hải lý về hướng bắc - tây bắc. Cùng buổi chiều 8-3 còn có sà lan LA-05922 gặp nạn, nguy cơ chìm ở vị trí cách đảo khoảng 21 hải lý về hướng tây bắc.
Có tất cả 10 thuyền viên trên các con tàu, sà lan này đã được cứu an toàn. Hiện còn tất cả bốn thuyền viên của tàu Tuấn Tú 09 và sà lan LA-05923 mất tích. Trước đó, Bộ Quốc phòng còn điều động trực thăng Mi-171 cất cánh từ sân bay Cần Thơ đến hỗ trợ tìm kiếm các thuyền viên sà lan LA-05923 mất tích nhưng chưa có kết quả.
Cũng tại vùng biển tỉnh Bình Thuận (cách mũi Kê Gà khoảng 6 hải lý), vào lúc rạng sáng 10-3, tàu Xuyên Á 126 chở 2.600 tấn phân đạm đã gặp sự cố, nước tràn vào buồng máy, nguy cơ chìm. Tàu cao tốc Superdong Phú Quý I đã kịp chạy từ cảng Phan Thiết đến ứng cứu 11 người trên tàu Xuyên Á 126 an toàn, đưa vào đất liền trong rạng sáng cùng ngày.
Xâu chuỗi thời gian các tàu gặp nạn thường rơi vào buổi chiều, ông Khôi cho rằng thời gian này ngoài yếu tố ảnh hưởng của gió mùa đông bắc thổi mạnh thì có hiện tượng dông lốc bất ngờ.
Tương tự, với kinh nghiệm là đơn vị cứu hộ nhiều năm qua, ông Lương Trường Phi - phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III - đánh giá thời tiết vùng biển khu vực đảo Phú Quý rất phức tạp, trở thành "đặc trưng" từ lâu nay. Các tàu gặp nạn tại vùng biển này do không lường trước được thời tiết diễn biến thất thường này.
Liên tục cảnh báo cho ngư dân ở vùng biển Phú Quý
Đây không phải lần đầu các tàu liên tục gặp nạn quanh vùng biển đảo Phú Quý trong khoảng thời gian ngắn. Những năm trước, nhiều tàu hàng quốc tế trọng tải nặng hơn nhiều lần cũng gặp nạn tương tự.
Một cán bộ biên phòng tỉnh Bình Thuận thừa nhận vấn đề này từ nhiều năm qua. Ông giải thích vào thời gian này hầu hết vùng biển nào cũng chịu ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc. Riêng với vùng biển Phú Quý, nhất là khu vực tây nam của đảo, là ảnh hưởng rõ rệt nhất.
"Đây như là đặc trưng của vùng biển đảo Phú Quý từ lâu nay. Có thể hải trình xuất phát ban đầu của các tàu từ các nơi khác không sao, nhưng vừa đến vùng biển Phú Quý là gió thổi khác ngay. Gió thổi mạnh, tạo thành lốc xoáy. Lúc này, các tàu đi qua sẽ không làm chủ được tình hình, mất lái là chìm ngay", vị cán bộ biên phòng lý giải.
Cũng theo vị cán bộ biên phòng này, phần lớn các vụ tàu chìm ở đây là do các thuyền trưởng chủ quan. Trong khi công tác dự báo thời tiết diễn ra liên tục, báo cáo khu vực ảnh hưởng, các khung giờ có gió giật mạnh... nhưng thuyền trưởng cứ nghĩ tàu nặng cả trăm tấn nên đi vào không vấn đề gì, thực tế đã bị nhiều.
Còn theo ông Trần Văn Hưng - trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, thời gian qua do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên khu vực vùng biển Bình Thuận và đảo Phú Quý có gió mùa đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, sóng biển cao từ 3-5m.
Ông Hưng cũng cảnh báo với sóng lớn và gió mạnh như thế này sẽ tác động xấu đến tàu thuyền qua khu vực này, đặc biệt là tàu có công suất nhỏ và chở hàng nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận