07/10/2024 21:15 GMT+7

Vì sao sau 3 tháng người có công chưa nhận được mức trợ cấp ưu đãi mới?

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có trả lời về lý do sau 3 tháng người có công chưa nhận được mức trợ cấp ưu đãi mới.

Vì sao sau 3 tháng người có công chưa nhận được mức trợ cấp ưu đãi mới? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 7-10, báo cáo dân nguyện tháng 9-2024 trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ý kiến phản ánh của cử tri về việc 3 tháng đã qua (từ 1-7) nhưng người có công vẫn chưa nhận được trợ cấp tăng thêm theo nghị định 77/2024 của Chính phủ.

Trước đó, nghị định 77/2024 của Chính phủ quy định điều chỉnh mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%). Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, nhưng đến nay người có công vẫn chưa nhận được mức trợ cấp mới.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sau đó đã đề nghị đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời về nội dung này.

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay việc điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã có hiệu lực từ 1-7-2024.

Tuy vậy, ông Thanh nói vì đây theo Luật Ngân sách nên việc điều chỉnh này phải bố trí từ nguồn ngân sách trung ương.

"Vì là ngân sách, Chính phủ phải trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Hiện nay, Bộ Tài chính đã tổng hợp trình Chính phủ và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 này.

Do vậy sau khi Quốc hội thông qua, việc điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được giải quyết ngay", ông Thanh nêu rõ.

Vì sao sau 3 tháng người có công chưa nhận được mức trợ cấp ưu đãi mới? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi - Ảnh: GIA HÂN

Hơn 120.000 giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ

Cũng tại phiên họp, giải trình về giải quyết chế độ cho giáo viên dạy mầm non trước năm 1960 - 1970, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết từ năm 2019 - 2020 bộ đã lập các đoàn khảo sát, có báo cáo.

Với 31 tỉnh, thành có số liệu gồm 120.000 giáo viên, chủ yếu từ Quảng Bình trở ra. Thời điểm đó bộ đã đề xuất cơ chế hỗ trợ với mức 500.000 đồng/giáo viên/năm. Như vậy, một giáo viên được hỗ trợ 7 triệu đồng. Tổng mức kinh phí ngân sách phải chi là khoảng 900 tỉ đồng.

Theo bà Chi, bộ được phân công xây dựng nghị định về việc này, nhưng có 2 khó khăn. 

Khó khăn đầu tiên là về cơ sở pháp lý xây dựng nghị định rất vướng.

Cùng với đó, về thực tế để tham mưu chính sách hỗ trợ, kể cả khi tham mưu có nghị định, số tiền hỗ trợ để thực hiện cũng rất khó. Bởi đối tượng giáo viên mầm non từ 1960 - 1970 lúc đó, do tính chất bậc học thì hồ sơ, giấy tờ gần như không có.

Thêm vào đó, 120.000 giáo viên thuộc hai nhóm. Một là so với sự phát triển của bậc học thì các giáo viên này không đáp ứng được về điều kiện, tiêu chuẩn nên phải nghỉ. Hai là, cũng có một số giáo viên mầm non lúc đó hoàn cảnh đời sống rất khó khăn nên tự ý bỏ việc.

Vì vậy các bước về thực tế, cơ sở pháp lý xây dựng nghị định này rất khó.

Từ thực tế đó, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ mong muốn tiếp tục tham mưu xây dựng nghị định này để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên trong những năm còn rất khó khăn của bậc học và đất nước.

Vì sao sau 3 tháng người có công chưa nhận được mức trợ cấp ưu đãi mới? - Ảnh 3.Chậm sửa mức giảm trừ gia cảnh tác động không tích cực đến chính sách tiền lương mới

Dự thảo nêu rõ cử tri, nhân dân thấy thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh chưa được sửa đổi gây tác động không tích cực đến chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên