29/12/2024 11:09 GMT+7

Vì sao sáp nhập phường 10 vào phường 9 tại quận 3?

Phường 10 và phường 9 của quận 3 trước sáp nhập có quá trình phát triển gắn liền chỉnh trang đô thị của kênh Nhiêu Lộc, và có nhiều gắn kết trong việc đảm bảo an ninh trật tự những khu vực trọng điểm, nhất là tại ga Sài Gòn.

Vì sao sáp nhập phường 10 vào phường 9 tại quận 3? - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ (áo hồng) và Bí thư Quận ủy quận 3 Nguyễn Thanh Xuân (thứ 2 từ trái) trao quyết định cho các cán bộ nhận nhiệm vụ tại phường mới - Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 29-12, tại phường 9, quận 3 tổ chức lễ công bố quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 thuộc TP.HCM và nghị quyết HĐND TP.HCM về đổi tên khu phố.

Tham dự lễ công bố có bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM.

Tại quận 3, phường 10 sáp nhập vào phường 9. Sau khi sáp nhập, phường 9 mới có diện tích khoảng 0,6km2, có 17 khu phố và 41.623 người dân.

Theo bà Nguyễn Thanh Xuân - bí thư Quận ủy quận 3 - địa bàn phường 9 và phường 10 có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự mở rộng và đô thị hóa của Sài Gòn từ thời kỳ Pháp thuộc (1862 - 1954).

Sau khi đất nước thống nhất, hai phường này cũng nhiều lần trải qua việc sáp nhập, đổi tên. Việc phát triển của hai phường còn gắn với sự phát triển và chỉnh trang đô thị của kênh Nhiêu Lộc.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dân cư mới được xây dựng.

Sự kết hợp giữa các công trình dân cư, văn phòng và các dịch vụ - thương mại, tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi, cùng với việc xây dựng và cải tạo các cơ sở y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng, khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Hai phường cũng là khu vực có nhiều tuyến đường quan trọng, giúp kết nối với các khu vực lân cận, có ga Sài Gòn là đầu mối giao thông, phức tạp về an ninh trật tự.

Dù vậy, thời gian qua hai phường đã có sự gắn kết, đồng hành trong thực hiện các phong trào tại địa phương, cùng nhau góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Với việc sáp nhập này, bí thư Quận ủy quận 3 kỳ vọng hai địa phương sẽ phát huy được những thế mạnh, thành quả đạt được vừa qua, thực hiện thắng lợi các chủ trương, nhiệm vụ chính trị được giao.

Bà Xuân cũng yêu cầu các phường sau sắp xếp nhanh chóng bàn giao công việc, xây dựng quy chế làm việc, bố trí nhân sự hợp lý không để gián đoạn, bỏ trống địa bàn. Bên cạnh đó, phải tham mưu, bố trí sử dụng trụ sở, tài sản công theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Sau sáp nhập sẽ có số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách bị tinh giản. Bà Xuân đề nghị tăng cường nắm bắt tâm tư, tình cảm, rà soát các chính sách hỗ trợ cho các nhân sự này.

Ngoài ra tại quận 3, phường 13 sẽ sáp nhập vào phường 12. Sau sáp nhập quận 3 có 10 phường.

Nhiều quận đã công bố sáp nhập phường

Trước đó, quận 5, quận 8 cũng đã tổ chức lễ công bố sáp nhập phường. Trong đó, tại quận 8 các phường 1, 2, 3 thành phường Rạch Ông; sáp nhập phường 8, 9, 10 thành phường Hưng Phú và sáp nhập phường 11, 12, 13 thành phường Xóm Củi.

Đây là địa phương duy nhất tại TP.HCM đổi tên phường số thành phường chữ sau sáp nhập. Những tên phường mới gắn với các nét văn hóa xưa tại địa phương và được người dân đồng tình.

Sau khi các phường đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND quận 8 Võ Thành Khả yêu cầu các phường phải hoạt động thông suốt, không để xảy ra tình trạng ách tắc việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đơn vị, người dân.

Vì sao lại sáp nhập phường 10 vào phường 9 tại quận 3 - Ảnh 3.Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM dự lễ công bố sáp nhập phường tại quận 11

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đề nghị sau sáp nhập phường các đơn vị phải duy trì hoạt động để đảm bảo không làm gián đoạn công việc của các cá nhân và tổ chức, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên