Vì sao có chuyện lạ này?
Điện tiêu thụ tăng 2-3 lần
Ông T.A.K. ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết do lo ngại trong tháng 4 nắng nóng sẽ sử dụng điện nhiều nên thường xuyên xem ứng dụng của Tổng công ty Điện lực TP.HCM để biết lượng điện tiêu thụ hằng ngày. Việc này giúp gia đình ông điều chỉnh lại thói quen dùng điện, tắt mở thiết bị hợp lý.
Khi nghe thông tin một số trường hợp có lượng điện tiêu thụ trong ngày 22-4 tăng cao bất thường, ông K. kiểm tra thì thấy nhà mình cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cụ thể nhiều ngày liền lượng điện nhà ông K. sử dụng cao nhất chỉ chưa tới 15kWh/ngày. Tuy nhiên lượng điện tiêu thụ trong ngày 22-4 lên đến hơn 46kWh/ngày.
"Tôi đã kiểm tra lại ngày 22-4 là ngày con tôi đi học, vợ chồng tôi cũng đi làm. Tiêu thụ điện chủ yếu diễn ra buổi tối và cũng chừng đó thiết bị như những ngày trước. Do đó không thể có việc sử dụng điện tăng gấp 3 lần như vậy được", ông K. nhận định.
Đem thắc mắc này hỏi một vài người quen, ông K. mới được giải thích là có thể lượng điện bị cộng dồn vào ngày 22-4 vì lượng điện của ngày 23 đến 25-4 không thể hiện trên ứng dụng của ngành điện. Số liệu này chỉ thể hiện từ ngày 26-4 trở về sau.
Ông K. cũng thắc mắc vì sao có hiện tượng này, liệu mình có bị bất lợi gì không khi lượng điện ba ngày dồn trong một ngày. Trường hợp cộng dồn này rơi vào thời điểm chốt chỉ số để tính tiền điện hằng tháng thì phải xử lý làm sao?
Tương tự, nhiều hộ dân tại đường Trường Sa thuộc quận Bình Thạnh cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tất cả đều rơi vào trường hợp ngày 22-4 bị tăng bất thường so với sản lượng điện trung bình mà gia đình sử dụng.
Do nâng cấp hệ thống, không bất lợi cho dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - xác nhận trong thời gian trên có xảy ra sự cố đo xa. Các quận huyện bị ảnh hưởng gồm quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, 4, 7, 10, 11. Nguyên nhân do hệ thống nâng cấp nên trong ba ngày 23 đến 25-4 không ghi nhận được số liệu và hiển thị trên ứng dụng.
"Tuy nhiên số liệu vẫn nằm trên công tơ điện, hệ thống đã tự động tính toán và cộng dồn vào ngày 22-4. Do đó người dân hoàn toàn không bị ảnh hưởng hay chịu thiệt thòi gì cả", ông Kiên khẳng định.
Tại sao mất tín hiệu vào ngày 23 đến 25-4, sao không cộng dồn vào ngày 26-4 lại cộng dồn vào ngày 22-4, trước khi xảy ra sự cố? Ông Kiên xác nhận đây là sai sót hệ thống, ông đã chỉ đạo các bộ phận liên quan khắc phục và xử lý sớm việc này.
Trả lời thêm về thắc mắc người dân việc nếu sự cố rơi vào thời điểm chốt chỉ số để tính tiền điện hằng tháng thì phải xử lý làm sao? Ông Kiên cho biết sẽ không xảy ra trường hợp này trên diện rộng, chỉ có một vài hộ gia đình gặp phải. Nếu có thì sẽ có hai cách xử lý là chốt chỉ số vào ngày trước khi xảy ra sự cố hoặc sẽ có nhân viên đi ghi nhận thủ công.
Nhiều giải pháp tiết kiệm điện
Ông Kiên cũng chia sẻ thêm thời gian gần đây lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM liên tục phá vỡ các kỷ lục. Vào ngày 26-4, sản lượng điện tiêu thụ ở TP đã vượt hơn 103 triệu kWh, cao chưa từng có tại TP.HCM.
Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM cũng ban hành công văn về đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng cần điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26oC trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng, khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.
Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ ngoài các yêu cầu trên cần tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng để chủ động thêm nguồn cung cấp điện. Các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22h.
Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay, trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông; giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22h tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít.
Đối với các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí nên tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ 22h; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22h.
Các hộ gia đình thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng, sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26oC trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận