Vì sao cát nhập khẩu ùn ứ?
Ngày 11-1, lãnh đạo Cục Hải quan An Giang đã đến cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương để gặp các doanh nghiệp, giải quyết vụ sà lan cát nhập khẩu ùn ứ sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online.
Ông Lưu Tuấn Bình - phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang - cho biết đã trực tiếp đến cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) để khảo sát, chỉ đạo Chi cục Hải quan Vĩnh Xương giải quyết tình trạng sà lan cát nhập khẩu ùn ứ.
Nguyên nhân sà lan cát nhập khẩu ùn ứ tại cửa khẩu Vĩnh Xương
Sau khi gặp các doanh nghiệp, ông Bình nói: "Họ nói chỉ mất thời gian đến Sở Xây dựng lấy thêm giấy tờ xác nhận theo quy định mới. Họ nói không vướng mắc gì, chỉ là do giao thời giữa thông tư 04 với quy định cũ. Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định".
Cũng theo ông Bình, vấn đề không nằm ở chỗ thuế vì cát nhập từ Campuchia về Việt Nam không phải đóng thuế, chỉ đóng VAT 10%. Nếu doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu cát mã nào thì hải quan sẽ quản lý mã hàng hóa đó.
Nếu khai báo mã hàng hóa HS 2505.1000 thì sẽ chịu sự điều chỉnh bởi thông tư 04 của Bộ Xây dựng. Nếu đăng ký mã hàng hóa HS 2505.9000 thì sẽ được thông quan, không kiểm tra, giám định, giám sát nhà nước về cát.
Hiện Cục Hải quan tỉnh An Giang đã cho thông quan mã số hàng hóa HS 2505.9000 mà các doanh nghiệp đăng ký như trước đây nhằm giải tỏa ùn ứ trên sông Tiền. Nếu doanh nghiệp nào khai mã HS 2505.1000 thì chưa được thông quan, buộc phải được giám định chất lượng hàng hóa.
"Vấn đề nằm ở chỗ thông tư 04 của Bộ Xây dựng quy định cát tự nhiên dùng trong vữa và bê tông nhưng lại ghi mã số hàng hóa HS 2505.1000 là không đúng. Mã này là cát oxit silic. Còn cát có mã HS 2505.9000 là dùng để san lấp, không cần ngành xây dựng kiểm tra theo chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cát từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam là cát sông nên không thể ghi mã HS 2505.1000", lãnh đạo Cục Hải quan An Giang khẳng định.
Hải quan An Giang cũng nêu nguyên nhân một số doanh nghiệp ghi mã HS 2505.1000 khi làm hồ sơ nhập khẩu. Vì một số công trình đòi hỏi cát phải được giám định chất lượng. Nếu ghi mã 1000, tức là cát đã được giám định mới được nhập khẩu. Từ đó, cát thuộc mã này dễ dàng bán được vào công trình. Ngược lại, cát có mã 9000 sẽ không bán được vì không có quy định phải giám định khi nhập khẩu.
Mã 9000 và 1000 là hai loại cát khác nhau
Một chuyên gia cát ở miền Tây cho biết đối với bất cứ mặt hàng nào, việc đầu tiên doanh nghiệp nhập khẩu cần nắm rõ là tra cứu mã HS sản phẩm của mình. Mã HS cát thuộc Chương 25 gồm muối, lưu huỳnh, đất và đá, thạch cao, vôi và xi măng. Mã 2505 là các loại cát tự nhiên, đã hoặc chưa nhuộm màu, trừ cát chứa kim loại.
Tiếp đến là mã 9000 và 1000. Mã 9000 là các loại cát khác, hay còn gọi là cát sông. Còn mã 1000 thuộc danh mục cát oxit silic hoặc cát thạch anh, chủ yếu có ở vùng biển, ven biển. Cát silic là một loại cát được tạo thành từ các hạt silica.
Cát oxit silic thường được dùng chế biến các sản phẩm có độ tinh khiết cao hơn. Các nhóm sản phẩm có các kích thước cỡ hạt khác nhau, tùy theo yêu cầu kỹ thuật hoặc yêu cầu của khách hàng.
Chủ yếu cung cấp làm nguyên liệu cho các lĩnh vực sản xuất kính, thủy tinh dân dụng, thủy tinh kỹ thuật hoặc sản xuất gốm, sứ...
Để sử dụng được, cát silic thường được sàng, tuyển, rửa, phân loại để loại bỏ tạp chất hữu cơ, bùn, sét. Do đó, Hải quan An Giang không cho thông quan cát có mã 1000 khi chưa giám định là đúng quy trình.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu cát cho biết hiện nay cát trong nước chủ yếu dùng để san lấp do có nhiều tạp chất. Tình hình cát xây dựng trong nước đang khan hiếm, thậm chí không có để cung cấp cho thị trường.
Do đó, họ phải sang Campuchia mua cát với giá 200.000 đồng/m3. Sau khi trừ hết chi phí nhập khẩu, vận chuyển về nội địa, cát xây dựng có giá 450.000-500.000 đồng/m3. Họ mong muốn cần thống nhất một mã, miễn sao cát nhập khẩu được lưu thông thuận tiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận