30/08/2024 18:58 GMT+7

Vì sao rất ít bệnh viện công lập đạt chất lượng quốc tế?

Tại Việt Nam, hiện mới có duy nhất Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM là bệnh viện công lập đạt tiêu chuẩn quốc tế. Số bệnh viện tư nhân đạt chất lượng quốc tế nhiều hơn các bệnh viện công.

Vì sao rất ít bệnh viện công lập đạt chất lượng quốc tế? - Ảnh 1.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (thứ 2 từ trái qua) đón nhận chứng nhận chất lượng bệnh viện quốc tế ACHSI trong ngày 30-8 - Ảnh: T.CHƯƠNG

Ông Nguyễn Trọng Khoa - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đã thông tin như vậy tại hội nghị "Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh năm 2024", được tổ chức vào ngày 30-8 tại TP.HCM.

Tại hội nghị, ông Khoa phân tích những thách thức của các bệnh viện công lập trong việc tham gia và đạt được chứng nhận chất lượng quốc tế.

Thách thức lớn nhất của bệnh viện công, nhất là các bệnh viện tuyến trên là bị quá tải. Việc giải quyết vấn đề quá tải rất khó khăn. Bệnh viện càng quá tải, nguy cơ và rủi ro càng lớn. Các dịch vụ của bệnh viện không thể đáp ứng được đầy đủ tất cả các yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, các bệnh viện công khó khăn trong tự chủ tài chính do giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chỉ tính một phần, chưa tính đúng, tính đủ. Do vậy, các bệnh viện công chưa có đủ nguồn lực để thực hiện tốt tất cả nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các bệnh viện công đang khó khăn trong mua sắm, đấu thầu. Ông Khoa cho rằng "thiếu thuốc, thiếu vật tư là một sự cố y khoa".

"Vì thiếu thuốc, thiếu vật tư, chúng ta sẽ không cung cấp tốt được dịch vụ cho người bệnh. Đây là vấn đề rất khó khăn cho các bệnh viện công. Hiện nay, chúng ta đang tìm mọi cách để gỡ các quy định về đấu thầu, quy định về mua sắm nhưng nguồn cung vẫn đang gặp khó khăn do không chỉ có yếu tố chủ quan mà còn có yếu tố khách quan sau nhiều năm do đại dịch COVID-19, cộng thêm chiến tranh tại một số quốc gia làm gián đoạn nguồn cung thuốc, vật tư", ông Khoa cho hay.

Một số những khó khăn khác phải kể đến như sự chuyển dịch nhân lực y tế chất lượng cao ở các bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc. Đây là một thực tế hiện nay.

"Chưa bao giờ cơ hội cho các bệnh viện tư lại tốt như bây giờ. Vì điều kiện ưu đãi, thu nhập cho nhân viên y tế cũng đang là một vấn đề với bệnh viện công. Do giá viện phí chưa tính đúng tính đủ nên nguồn thu của các bệnh viện công còn khó khăn", ông Khoa lý giải.

Các bệnh viện công còn thiếu nhân lực chất lượng cao về chuyên môn, về quản lý, hạ tầng thấp kém khó đạt được tiêu chuẩn quốc tế...

Tuy nhiên, ông Khoa khẳng định các bệnh viện công vẫn đang có một cơ hội rất lớn, vì năm 2023 Cục Quản lý khám chữa bệnh đã khuyến khích các bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế...

Một số thách thức trong quản trị bệnh viện công lập

Cũng tại hội nghị này, ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đưa ra một số thách thức hiện nay trong công tác quản trị bệnh viện công lập như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa tương xứng sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển y tế chuyên sâu nhưng hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin tại các bệnh viện chưa được đầu tư tương xứng.

Hoạt động "hậu cần bệnh viện" (hospital logistics) không thể thiếu trong công tác quản trị bệnh viện nhưng chưa thật sự được đầu tư đồng bộ và đúng mức.

Phấn đấu được công nhận các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện, về năng lực chuyên môn theo từng chuyên khoa chỉ mới được chú trọng ở số ít bệnh viện...

Vì sao rất ít bệnh viện công lập đạt chất lượng quốc tế? - Ảnh 1.Bệnh viện công lớn nhất Bình Dương: 10 năm lỡ hẹn

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương quy mô 1.500 giường vẫn chỉ là một khối bê tông sừng sững. Dự án này được tỉnh khởi công từ tháng 8-2014, nay sau mười năm vẫn chưa thể đi vào hoạt động.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên