Chiều 5-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý 3. Theo báo cáo, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với cả nước.
Cụ thể tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng giảm 8,76% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng phục hồi chậm do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo.
Cụ thể công nghiệp - xây dựng giảm hơn 23%, riêng công nghiệp giảm hơn 25%.
Với mức sụt giảm 8,76%, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng giảm sút do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Mặc dù chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 nhưng tình hình tiêu thụ xe chưa thực sự khả quan, kéo theo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,1%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng giảm 28,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 30,8%.
Nhiều doanh nghiệp giảm lao động do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Hưng, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, cho biết một số giải pháp như trước mắt tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, về lâu dài phải cơ cấu lại nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 43%
Tổng vốn đầu tư công năm 2023 của Quảng Nam hơn 9.278 tỉ đồng, tính đến cuối tháng 9 đã giải ngân 4.060 tỉ đồng, đạt 43,8%.
Các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt và liên tục.
Chẳng hạn một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất để tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án.
Đến nay đã thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm nay hơn 252 tỉ đồng từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án khác có tỉ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn.
Trả lời câu hỏi báo chí rằng nhiều dự án cầu, đường hàng trăm tỉ đồng ở tỉnh làm nhiều năm qua nhưng vẫn chậm tiến độ, ông Nguyễn Hưng cho biết nguyên nhân là các dự án gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận