Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trudeau tháng 12-2017 - Ảnh: REUTERS
Tòa án nhân dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, ngày 14-1 kết án tử hình với Robert Lloyd Schellenberg, công dân , bị buộc tội buôn ma túy.
Vụ việc lập tức được liên kết ngay tới trường hợp Canada bắt giám đốc tài chính Công ty Huawei Mạnh Vãn Chu, nhiều người nghĩ Trung Quốc có ý trả đũa hoặc gây áp lực ngoại giao lên Canada để thả bà Mạnh.
Trung Quốc tôn trọng sức mạnh chứ không phải sự yếu đuối. Vì lợi ích của người Canada, chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ trước hành động leo thang, khiêu khích của Trung Quốc
Ông BRIAN LEE CROWLEY (giám đốc quản lý Viện Macdonald-Laurier, một cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập ở Ottawa, Canada)
Thể diện dân tộc
Vụ Schellenberg thực chất đã được xử từ năm 2016, nhưng kết án đúng thời điểm nhạy cảm này. Cũng trong hôm 15-1, thời điểm vụ việc đang nóng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc "bất bình" với việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói Bắc Kinh áp luật pháp "tùy tiện" trong trường hợp Schellenberg, đồng thời lần nữa kêu gọi Ottawa thả bà Mạnh.
Có thể thấy Trung Quốc đã "cao tay" trong vụ Schellenberg. Luật pháp Trung Quốc rất nghiêm đối với ma túy, chất cấm, mà bản thân vấn đề này cũng sẽ khiến Canada cũng như các nước phương Tây khó chỉ trích.
Tại cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Argentina cuối năm ngoái, Mỹ được cho đã buộc Trung Quốc phải mạnh tay với chất fentanyl. Nay họ không thể phản ứng quá mạnh việc Trung Quốc tử hình một trường hợp bị cáo buộc vận chuyển 222kg ma túy như Schellenberg.
Giới quan sát phương Tây nhìn nhận rằng Trung Quốc đang mạnh tay với Canada để bảo vệ "thể diện quốc gia". Nói như phân tích của Hãng tin AP ngày 16-1, Bắc Kinh trong quá khứ đã luôn sẵn sàng chứng kiến tình trạng đóng băng trong quan hệ ngoại giao với các nước vì không chịu thua.
Trong khi Trung Quốc muốn giữ thể diện, Canada cũng không thể khoanh tay khi nhắc tới tinh thần dân tộc. Sau những áp lực trong nước dành cho Thủ tướng Trudeau, truyền thông Canada lần này đã nói thẳng: Canada đang bị Trung Quốc nhìn nhận yếu thế.
"Trung Quốc đang nhắm Canada, chứ không phải Mỹ, vì họ xem chúng ta vừa yếu thế vừa băn khoăn về mối quan hệ kinh tế" - ông Brian Lee Crowley, giám đốc quản lý Viện Macdonald-Laurier, một cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập ở Ottawa (Canada), viết trên Globe and Mail.
Canada muốn phản pháo
Khi bị dồn vào thế bí, Canada của ông Trudeau không còn cách nào khác phải phản ứng. Vấn đề là họ sẽ đi tới đâu.
Ông Crowley vừa qua vạch ra những điểm nóng Canada có thể đẩy mạnh để thể hiện trước Trung Quốc, bao gồm việc trục xuất đại sứ, cho đến dấn sâu hơn vào làn sóng tẩy chay dịch vụ hạ tầng mạng 5G của các công ty Trung Quốc, mà điển hình là Huawei.
Ngoài ra, ông Crowley còn một đề xuất gây sốc khác: thúc đẩy mối quan hệ "đang nồng ấm" giữa Canada và Đài Loan. Ý tưởng này nhanh chóng được trang Taiwan News của Đài Loan dẫn lại.
Nếu Canada thắt chặt quan hệ với Đài Loan, Ottawa dường như cũng sẽ "hát cùng tông" với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiện nay, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và chính quyền Đài Loan của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đang leo thang. Hãng tin Reuters hôm 15-1 còn dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định lo ngại viễn cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực để chinh phục Đài Loan.
Vị quan chức này không suy đoán về kịch bản chiến tranh, nhưng cho biết một màn xung đột vũ trang hai bên eo biển Đài Loan là điều ông lo ngại nhất, xét tới việc Trung Quốc đang phát triển quân sự rất đáng kể.
Các quan chức quốc phòng Trung Quốc ở những cuộc họp với Lầu Năm Góc gần đây cũng được biết liên tục nhắc tới vấn đề Đài Loan, xem đây là vấn đề nhạy cảm nhất của Bắc Kinh. Nếu Canada sử dụng lá bài này trong màn căng thẳng với Trung Quốc, chính trường quốc tế ắt tiếp tục chứng kiến nhiều bất ổn.
Ottawa yêu cầu Bắc Kinh hủy án tử
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết Ottawa đã chính thức đề nghị Bắc Kinh không thi hành án tử hình với công dân nước này Robert Lloyd Schellenberg.
Bà Freeland cho rằng án tử đối với Schellenberg là không nhân đạo và không phù hợp. "Chúng tôi đã nói chuyện với đại sứ Trung Quốc tại Canada và đề nghị Trung Quốc xem xét khoan hồng với trường hợp của công dân Canada" - bà Chrystia Freeland nói trong cuộc họp báo hôm 15-1 ở Québec. Ngoại trưởng Canada nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, đối thoại giữa hai nước là rất quan trọng.
DIỆU AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận