Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ - nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng cán bộ có tài sản lên tới ngàn tỉ nhưng không kê khai đầy đủ dẫn tới bị kỷ luật, cách hết mọi chức vụ.
Công chức phải trung thực, trung thành
* Thưa ông, tài sản của mỗi người là riêng tư, chúng ta nên chọn cách kê khai, công khai nào cho phù hợp và cơ quan nào thì nên biết bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức?
- Anh có thích người khác biết trong ví mình có bao nhiêu tiền không? (cười). Về mặt con người, không ai muốn bộc lộ thứ của riêng mình cho người khác biết. Ai cũng vậy, kể cả cá nhân tôi cũng không muốn cho người ta biết.
Nhiều tỉ phú thế giới họ công khai tài sản thể hiện sự giàu có do chính họ làm nên, đây là vinh hạnh cá nhân nhiều người mong muốn. Nhưng cũng có những người không làm thế, họ không muốn công khai tài sản vì họ không muốn người khác biết nguồn gốc thực sự của tài sản.
Điều này đôi khi không có gì là xấu cả, có những người làm được tiền bạc nhưng họ không muốn người khác biết vì muốn giấu nghề, không muốn người khác biết cái gì đã làm nên tài sản vì đó là nghề sống của họ.
Với cán bộ, công chức, trước hết là đảng viên thì việc kê khai tài sản là một biện pháp Đảng muốn sử dụng để ngăn ngừa hiện tượng trục lợi, làm ăn không chính đáng của một số đảng viên ở cương vị A, B, C nào đó.
Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích cán bộ làm việc, lao động bằng thực lực của mình nhưng không phải không có những cán bộ làm việc không bằng thực lực, có những nguồn tiền khác "rơi" vào họ mà họ không muốn công khai vì chính họ thấy rằng không xứng đáng để nói ra, không đáng tự hào để nói ra.
Đảng, Nhà nước đặt vấn đề đảng viên, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, nhưng không phải tất cả mà chỉ bắt buộc với những vị trí có độ nhạy cảm công việc, có khả năng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm việc phi pháp.
* Cán bộ, công chức kê khai minh bạch tài sản là cần thiết nhưng làm sao tránh lợi dụng kê khai tài sản để "công kích" lẫn nhau?
- Nếu kê khai trung thực, nguồn gốc tài sản rõ ràng thì cán bộ, công chức chả sợ gì "công kích". Việc kê khai tài sản nếu nhận thức đúng là sự tự nguyện của công chức, kê khai trung thực là tự bảo vệ mình trước dư luận xã hội.
Khi họ thấy rằng không thể bảo vệ mình bằng sự kê khai thì họ sẽ che giấu tài sản. Sự trung thực và trung thành là hai yếu tố cơ bản nhất của một công chức, cán bộ, đảng viên, điều này cũng khẳng định nhân cách của họ trước xã hội.
Giám sát kê khai tài sản
* Vậy cơ quan nào nên tham gia giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức?
- Theo quy định hiện hành sau khi kê khai cán bộ, công chức, đảng viên phải báo cáo cơ quan, tổ chức họ đang công tác để ghi nhận sự trung thực. Trong một số trường hợp cơ quan, tổ chức sẽ xem xét việc kê khai có trung thực hay không khi có vấn đề.
Vấn đề đặt ra là ai giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Tôi cho rằng người dân trong khu dân cư chỉ nhìn thấy căn nhà to, chiếc ô tô của cán bộ, công chức chứ không nhìn thấy được số dư tài khoản ngân hàng.
Trong khi số dư tài khoản ngân hàng nhiều khi lớn hơn căn nhà, chiếc ô tô rất nhiều. Tôi rất hoan nghênh quy định việc mua bán tài sản giá trị lớn phải thanh toán qua ngân hàng. Đây là khâu kiểm soát tài chính tốt, không dối trá được.
Điều này tiệm cận dần với phương thức thanh toán quốc tế bằng thẻ. Cơ quan ngân hàng có chức năng được biết nguồn tiền gửi là nơi có thể kiểm soát được nguồn tài chính cá nhân.
Song phải xây dựng một cơ chế giám sát cho ngân hàng bởi ngân hàng không phải lúc nào cũng thọc vào tài khoản cá nhân dù ngân hàng biết được nguồn tiền ra vào và hiểu được tiền đang nằm ở đâu, khi cần thiết có thể cung cấp thông tin.
* Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế hiện nay chưa giúp cán bộ, công chức yên tâm khi kê khai tài sản?
- Tôi cũng thấy điều này, có những người đã lợi dụng việc kê khai tài sản cá nhân để công kích, gièm pha, ngăn ngừa, bôi nhọ, hạ thấp uy tín nhau. Chúng ta đưa ra biện pháp phòng ngừa này nhưng lại thiếu biện pháp đề phòng biến dạng của nó, giống như uống thuốc mà chưa lường trước phản ứng phụ.
Có thể khẳng định kê khai tài sản như là liều thuốc nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lấy tài sản không phải của mình. Việc kê khai tài sản cũng là một "tín hiệu" báo giúp cán bộ cân nhắc trước sự vật, hiện tượng dẫn đến người ta chung chiêng, chao đảo, không trung thực.
Kê khai tài sản - ném cát bụi tre
* Ông có thấy quy định kê khai tài sản hiện nay vừa thừa, vừa thiếu khi đối tượng kê khai quá rộng trong khi lại không chi tiết, cụ thể được việc kê khai của từng cá nhân?
- Quy định cấp độ kê khai chỉ là hình thức ứng phó tạm thời thôi, vì có những cán bộ ở cấp phường xã còn giàu hơn cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh.
Nhũng nhiễu ở địa phương cũng ghê gớm không kém gì ở các cơ quan trung ương đâu. Vì thế, chúng ta phải làm động tác "ném cát bụi tre", cầm hòn sỏi ném không dính nhưng "ném cát vào bụi tre" thế nào cũng có hạt dính, nên chúng ta chọn kê khai tài sản đại trà.
Chúng ta mới dừng ở quy định bắt buộc cán bộ, công chức kê khai tài sản để tổ chức nắm được thôi, còn kiểm soát kê khai tài sản thế nào thì chưa chi tiết được. Nhưng mới dừng ở bước này thì đã có rất nhiều chuyện rồi.
* Khi nghe quan chức có ngàn tỉ thì người dân thường bất ngờ xen lẫn bức xúc, ông có nghĩ rằng chúng ta cần thay đổi tư duy theo hướng cán bộ, công chức, thậm chí quan chức cũng có thể giàu có vì họ có trí tuệ, năng lực?
- Khổ nỗi quan chức ta không có nhiều người có đủ tài để có nhiều tiền bằng lao động của mình. Vấn đề là các quan chức không dám kê khai tài sản trung thực.
Họ không nhận thức đầy đủ được việc kê khai là để tự bảo vệ mình. Hơn nữa, đã có nhiều quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau. Chứ công chức đơn thuần tự lao động sẽ rất khó có được ngàn tỉ.
Trường hợp quan chức phải "núp danh" người nhà để mở công ty kinh doanh và các công ty này lại là sân sau trong hoạt động quản lý nhà nước, là cơ sở khai thác chức vụ để đầu tư, kinh doanh, kiếm lời thì các cơ quan chức năng phải xem xét.
Có ý kiến cho rằng nên công khai kê khai tài sản cán bộ, công chức, đảng viên nơi họ đang cư trú để sử dụng quyền giám sát của nhân dân. Sự giám sát này tốt nhưng có mặt trái là có thể bị những người chưa đồng cảm với việc kê khai, coi đó như một cái cớ để bêu xấu, tò mò, thóc mách khiến người kê khai khó chịu. Việc công khai ở tổ dân phố theo tôi là không nên, vì bình thường khi phát hiện vấn đề thì người dân có thể kiến nghị để cơ quan, tổ chức kiểm tra, giám sát.
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận