Phòng thí nghiệm của Công ty Sanofi (Pháp) - Ảnh: SANOFI
Điều này gây khó hiểu khi trước dịch COVID-19, trong bốn đại gia ngành dược chiếm hơn 80% doanh số vắc xin thế giới năm 2019, có công ty dược Sanofi của Pháp (ba công ty kia là GlaxoSmithKline - GSK của Anh, Merck & Co của Mỹ và Pfizer cũng của Mỹ).
Trong top 10 hãng dược hàng đầu thế giới về doanh số năm 2019, Công ty dược phẩm Sanofi của Pháp đứng thứ bảy.
Vắc xin Pháp còn trong các giai đoạn 1 và 2
Hiện nay không có vắc xin ngừa COVID-19 nào của Pháp được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 (giai đoạn cuối).
Sanofi đang hợp tác với GSK thử nghiệm vắc xin ở giai đoạn 2 với 440 người tình nguyện. Kết quả thử nghiệm vài tuần nữa mới có.
Loại vắc xin này mất thời gian phát triển hơn vì có nguồn gốc từ protein virus nên phức tạp hơn nhưng vắc xin sẽ hoạt động mạnh hơn bởi đây là kỹ thuật từng được sử dụng trong phát triển vắc xin chống cúm.
Loại vắc xin thứ hai của Sanofi được phát triển dựa theo công nghệ mới ARN thông tin như các hãng dược Mỹ Moderna và Pfizer/BioNTech nhưng chỉ mới thử nghiệm tiền lâm sàng (thử nghiệm đạt kết quả tốt trên chuột và khỉ).
Tháng tới Sanofi mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên vài chục người tình nguyện.
Đối với Viện Pasteur, trong số các loại vắc xin đang phát triển có vắc xin hợp tác với Merck & Co của Mỹ. Đây là loại vắc xin truyền thống dựa trên virus giảm độc lực tương tự như vắc xin phòng bệnh sởi. Thử nghiệm giai đoạn 1 bắt đầu vào cuối mùa hè.
Pfizer và Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vắc xin COVID-19 - Ảnh: SHADI GHANIM
EU quy định phải thử nghiệm trên động vật
Giải thích trên kênh truyền hình LCI hôm 22-11, tiến sĩ virus học Vincent Enouf ở Viện Pasteur nhận xét nguyên nhân các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna nhanh chân hơn vì họ đã bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm trên động vật.
Ông nói: "Viện Pasteur nghiên cứu theo mô hình bình thường là xác minh tính vô hại của virus qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là thử nghiệm trên động vật. Hiện tại chúng tôi đang thử nghiệm vắc xin ở giai đoạn 1. Vì vậy mất thời gian hơn do phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp".
GS dược lý y học Dominique Deplanque - giám đốc Trung tâm Điều tra lâm sàng thuộc Bệnh viện Đại học Lille (Pháp) - cho biết muốn đưa vắc xin ra thị trường phải tuân thủ các quy định của EU chứ không phải quy định của Pháp khắt khe hơn.
Ông nói: "Luật pháp châu Âu về thử nghiệm trên động vật đang có xu hướng hạn chế thử nghiệm trên động vật khi có thể. Tuy nhiên đối với bất kể loại thuốc và vắc xin nào, giai đoạn thử nghiệm trên động vật vẫn rất quan trọng".
Khỉ dùng cho thí nghiệm dược phẩm ở Misconsin (Mỹ). Các hãng dược Mỹ đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trên động vật - Ảnh: AP
Mỹ nhanh hơn nhờ đâu?
Trong khi đó vào tháng 5-2020, TS coronavirus Samantha Saunders thuộc Hiệp hội Những người đối xử nhân đạo với động vật (PETA) ở Anh giải thích trên trang web ConsoGlobe: "Thử nghiệm trên động vật lãng phí thời gian và nguồn lực quý báu, hai thứ mà chúng ta đang thiếu".
Bà nhấn mạnh: "Tại Mỹ, Viện Y tế quốc gia (NIH) phụ trách nghiên cứu y học và y sinh đã quyết định thúc đẩy quá trình phát triển vắc xin bằng cách bỏ qua giai đoạn thử nghiệm dài trên động vật để thử nghiệm trực tiếp ở người".
Bà trích dẫn số liệu thống kê từ NIH cho thấy "95% các loại thuốc đạt hiệu quả trong thử nghiệm trên động vật đã thất bại trong thử nghiệm trên người vì chúng nguy hiểm hoặc không hiệu quả".
Phát triển vắc xin dựa trên công nghệ vật liệu di truyền ARN thông tin đỡ mất thời gian hơn - Ảnh: wellcome.org
Các loại vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna được phát triển dựa theo công nghệ vật liệu di truyền ARN thông tin. Đây là công nghệ chưa từng được sử dụng trên thế giới.
GS Dominique Deplanque nhận xét vắc xin phát triển theo công nghệ mới ARN thông tin không mất thời gian như các vắc xin theo công nghệ vector virus hoặc công nghệ protein tái tổ hợp.
Để phát triển vắc xin ARN thông tin, chỉ cần tiêm ARN thông tin để ARN chỉ đạo tế bào sản sinh protein virus, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch sinh ra kháng thể.
Còn đối với các loại vắc xin truyền thống, phải tiêm các mảnh virus bất hoạt hoặc protein virus để kích hoạt phản ứng miễn dịch dẫn đến sản sinh kháng thể đặc hiệu, như vậy mất thời gian nhiều hơn.
Để tăng tốc phê duyệt vắc xin, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã lập ra quy trình "đánh giá cuốn chiếu" trong kiểm tra dữ liệu an toàn và hiệu quả của vắc xin, vì vậy rút ngắn thời gian đưa vắc xin ra thị trường.
Đài France Info (Pháp) trấn an không có gì phải lo lắng về chuyện vắc xin Pháp bán ra thị trường chậm hơn các nước khác vài tháng. Điều quan trọng ở đây là vắc xin của nước nào mới là loại an toàn và hiệu quả hơn hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận