Ngày 16-1, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Quốc hội đề nghị cho phép phân bổ sử dụng 63.725 tỉ đồng nguồn dự phòng chung cho 5 ngành/lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông.
Là dự án cần thiết, đã có vốn kế hoạch từ trước
Liên quan đến việc phân bổ vốn cho EVN, tờ trình nêu sự cần thiết về việc bố trí nguồn vốn này.
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu.
Tháng 6-2023, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (sau thời điểm báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Do đó toàn bộ số vốn 2.526,16 tỉ đồng dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại quyết định số 708 ngày 16-6-2023 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư.
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án gần 4.951 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của EVN hơn 2.423 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 2.526 tỉ đồng.
Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh việc đầu tư cho dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết.
Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án.
Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng đây là dự án đặc thù vừa sử dụng vốn ngân sách, vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, sớm triển khai dự án cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện huyện Côn Đảo, có thể áp dụng quy định trên.
Chịu trách nhiệm phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia là tối ưu
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị quy định chặt chẽ tại nghị quyết về việc Chính phủ chịu trách nhiệm và cam kết việc lựa chọn phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia là tối ưu, đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đầu tư, giá thành và chi phí hợp lý.
Giao Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các báo cáo, nội dung liên quan đến dự án theo đúng quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện dự án, bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.
Việc bàn giao, bổ sung vốn, tài sản sau khi dự án hoàn thành thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quản lý tài sản công, các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng vốn ngân sách trung ương thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo như đề xuất của Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giao EVN là cơ quan quyết định đầu tư dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận