13/04/2019 10:31 GMT+7

Vì sao ông Trump chống nhập cư trái phép thất bại?

TS TERRY F. BUSS
TS TERRY F. BUSS

TTO - Lượng người nhập cư trái phép tràn qua biên giới Mexico đã khiến hệ thống nhập cư của nước Mỹ quá tải đến mức kể cả những người ủng hộ nhập cư kiên định nhất cũng không thể nhắm mắt làm ngơ được nữa.

Vì sao ông Trump chống nhập cư thất bại? - Ảnh 1.

Lính biên phòng Mỹ bắt giữ một người đàn ông đến từ Honduras vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Mỹ - Mexico hôm 9-4 - Ảnh: Reuters

Tính đến tháng 3 năm nay, gần 700.000 người tị nạn đang chờ quyết định của tòa án, tính ra mỗi thẩm phán đang phải lo giải quyết khoảng 2.000 đơn xin tị nạn. Việc này vượt quá khả năng của hệ thống.

Và mọi nỗ lực giải quyết vấn đề nhập cư trái phép của các nhà lập pháp đều thất bại khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.

Thay máu Bộ An ninh nội địa

Ông Trump luôn muốn Bộ An ninh nội địa (DHS) và các bộ liên quan phải mạnh tay với vấn đề nhập cư trái phép, bởi ông cho rằng mấu chốt nằm ở lãnh đạo chứ không phải ở chính sách.

Động thái mới nhất là việc ông sa thải Bộ trưởng DHS Kristjen Nielsen. Cả giám đốc Cơ quan mật vụ Hoa Kỳ Randolph Alles cũng bị cho nghỉ việc.

Sẽ còn nhiều lãnh đạo khác tại DHS bị sa thải. Những người đứng đầu Sở Nhập tịch và di trú Hoa Kỳ, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan, Cục Hải quan và bảo vệ biên giới, ban pháp chế Bộ An ninh nội địa, Văn phòng thứ trưởng đặc trách quản lý và Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang đều sẽ bị thay thế, luân chuyển hoặc không có người phụ trách. Tất cả những việc này đều chưa từng có tiền lệ.

Đáng chú ý, nhân viên Nhà Trắng Stephen Miller, 30 tuổi, không có kinh nghiệm quản lý ngoài việc đã từng làm việc cho cựu bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions (người đã bị ông Trump sa thải). Chính ông này là linh hồn của sắc lệnh cấm Hồi giáo, vốn được coi là một sai lầm nghiêm trọng. Ông này được cho là người đứng sau các quyết định sa thải tại DHS. Đây là một điềm xấu cho các chính sách tới đây.

Ông Trump (và ông Miller) đã nhằm vào DHS từ lâu. Không lâu sau khi nhậm chức, chính ông Trump đã bổ nhiệm ông John Kelly vào vị trí bộ trưởng, sau đó luân chuyển ông này sang làm chánh văn phòng Nhà Trắng. Ông Kelly đã chọn bà Nielson lúc đó đang làm tại bộ này về Nhà Trắng làm trợ lý cho ông. Sau đó, ông Kelly bổ nhiệm bà Nielson là bộ trưởng.

Chỉ hơn một năm sau đó, ông Trump sa thải ông Kelly bởi các chính sách của ông này mang nhiều thiên hướng dân chủ. Trong suốt một năm bà Nielson giữ vai trò bộ trưởng DHS, ông Trump chưa có lúc nào ngừng phàn nàn.

Các vấn đề chính trị nội bộ đã khiến các đối thủ của ông Trump tại Quốc hội và ngay trong chính quyền của ông có cơ hội cản trở chính sách, đặc biệt là về nhập cư.

Tuy vậy, tái tổ chức DHS không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư trái phép. Đơn thuần như, theo luật của Mỹ, DHS không có thẩm quyền thực hiện nhiều việc mà ông Trump muốn.

Thất bại chính sách

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ đưa nhập cư trái phép là ưu tiên hàng đầu nếu đắc cử. Và ông đã giữ lời. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông, mặc dù rất mạnh mẽ, lại không hiệu quả, mà có lẽ còn phản tác dụng.

Từ năm 2017 đến nay, ông Trump đã đeo đuổi các chính sách cứng rắn bất chấp việc thiếu hậu thuẫn từ phe Dân chủ và thậm chí cả phe Cộng hòa.

Năm 2017, ông Trump đã quyết định hủy bỏ chương trình hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ. Nhưng tòa án đã bác bỏ quyết định này.

Ông Trump cũng cố gắng trình Quốc hội thông qua ngân sách để hoàn thành bức tường biên giới 2.000 dặm mà trước đó tổng thống Obama và tổng thống Clinton đã theo đuổi. Quốc hội bác bỏ. Hậu quả là chính quyền đóng cửa một phần trong 35 ngày. Và sau đó, Quốc hội vẫn tiếp tục không cấp ngân sách.

Tiếp nối ông Obama, ông Trump cũng điều động quân đội để ngăn cản dòng người nhập cư trái phép vào nước Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự kháng cự từ các thành phố và bang.

Ông chủ Nhà Trắng lại chọn giải pháp chuyển dòng tiền từ ngân quỹ quốc phòng sang cho việc xây tường biên giới khi công bố tình trạng khẩn cấp quốc qia. Quốc hội lại chặn ông một lần nữa. Tuy nhiên, ông Trump đã sử dụng quyền phủ quyết chống lại Quốc hội và đảm bảo ngân sách. Mặc dù vậy, tới đây các tòa án sẽ lại có việc để chặn quyết định này.

Động thái mới đây là tuyên bố đóng cửa biên giới phía nam. Tuyên bố này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ doanh nghiệp, Quốc hội, chính quyền Mexico. Hệ quả là ông Trump đã phải lùi bước.

Mọi chính sách của ông chủ Nhà Trắng đều bất thành bởi Quốc hội và các tòa án liên bang, chưa kể đến các chính quyền cấp bang và địa phương luôn phản đối ông mọi lúc mọi nơi.

Triển vọng nào?

Hiện thời, người dân Mỹ đang chia thành hai phe không thỏa hiệp: một phe ủng hộ biên giới mở và phe kia kiên quyết kiểm soát biên giới.

Phe ủng hộ biên giới mở bao gồm hầu hết thành viên Đảng Dân chủ, đặc biệt là các ứng viên tổng thống nhiệm kỳ 2020. Vài người trong số này thực sự tin rằng "không có người nào được coi là bất hợp pháp".

Những người ủng hộ kiểm soát biên giới, điển hình là ông Trump, có quan điểm là việc nhập cư phải được kiểm soát, chỉ tiếp nhận "người tị nạn thực sự", hoặc những người mang lại lợi ích cho nước Mỹ - không phải cứ đến cửa là được mời vào.

Bởi vậy, khi ông Trump còn ngồi ghế tổng thống thì vấn đề nhập cư bất hợp pháp sẽ còn nan giải, bởi hai quan điểm về biên giới quá cách xa nhau, và bởi phe ủng hộ biên giới mở không dành cho ông Trump một chút thiện cảm nào dù là ít ỏi.

Nếu ông Trump tranh cử và thắng cử năm 2020 thì tình hình sẽ còn vượt khỏi tầm tay. Nếu ông không tranh cử hay không thắng cử, biên giới mở có khả năng là tương lai của nước Mỹ.

Ông Trump dọa áp thuế ôtô Mexico nếu không ngăn nhập cư sang Mỹ

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế lên ôtô nhập khẩu từ Mexico, nếu nước này không tiếp tục giúp Washington giải quyết người tị nạn và nạn buôn ma túy dọc biên giới phía nam.

TS TERRY F. BUSS
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên