Luật sư Trần Hải Đức - Ảnh: GIA MINH
Đau đáu trước câu hỏi này, luật sư Trần Hải Đức - một người có nhiều năm hoạt động trong ngành tư pháp chia sẻ với Tuổi Trẻ quan điểm của cá nhân ông.
Cái ác chưa giảm
Tính từ năm 2011, sau vụ Lê Văn Luyện sát hại một gia đình tại Bắc Giang, số vụ thảm sát có dấu hiệu tăng lên, mức độ dã man cũng tăng cao.
Tiếp theo vụ Lê Văn Luyện, năm 2015, vụ Nguyễn Hải Dương và đồng phạm sát hại 6 người tại Bình Phước, tới nay là nghi can Nguyễn Hữu Tình sát hại cả một gia đình. Xen lẫn khoảng thời gian đó là nhiều vụ án giết người, cướp tài sản...
Có một điểm chung là các đối tượng gây án đều còn rất trẻ. Hiện tượng này nói lên điều gì?
Đây là một câu hỏi mà những người có trách nhiệm liên quan tới việc xây dựng chính sách phát triển con người, phát triển xã hội cũng như bảo đảm an ninh trật tự cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp ngăn chặn.
Còn nhớ, năm 2011, khi cái tên Lê Văn Luyện trở thành một hội chứng được dư luận xã hội nêu lên, qua các cuộc hội thảo, hàng loạt nguyên nhân được đưa ra để giải thích về tâm sinh lý, về động cơ phạm tội của Luyện.
Rất nhiều bài học mang tính lý luận, thực tiễn đưa ra rút kinh nghiệm để mong rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt, sẽ không có những "Lê Văn Luyện" nữa...
Thực tế lại không phải vậy. Số vụ thảm sát ngày càng tiếp diễn, mức độ tàn ác cao hơn. Đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, phải chăng chúng ta chưa tìm cho ra căn nguyên và có giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề?
Nhìn vào những hiện tượng nêu trên không phải để bôi đen xã hội. Nhìn vào góc tối ấy để tìm ra những nguyên nhân sâu xa nhằm thay đổi nó, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Từ vụ án thảm sát của Lê Văn Luyện, cá nhân tôi cho rằng đó không phải sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một thời gian dài khi cả xã hội phát triển trong sự khiếm khuyết. Khiếm khuyết lớn nhất là từ nền tảng giáo dục.
Chương trình giáo dục trong nhà trường đầy những mục tiêu cao xa, nhưng lại quên đi chức năng lớn nhất là đào tạo nên "con người" có những đức tính nhân bản, biết yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là biết "làm lành lánh dữ". Cho nên số vụ bạo hành và giết người ngày càng tăng.
Xã hội quá coi trọng danh lợi, vật chất
"Có tiền mua tiên cũng được", "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền", những câu nói cửa miệng này nghe tưởng chừng chỉ là cho vui nhưng thực tế lại có một giá trị thực tiễn.
Một vài câu nói hài hước khác: "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ" hay "Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 (quyết định bổ nhiệm chức danh) đời đời ấm no"... thể hiện một thực trạng xã hội coi trọng danh lợi, địa vị, vật chất hơn mọi giá trị khác.
Nhìn vào bộ máy nhà nước, có không ít trường hợp chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức, phe nhóm lợi ích.
Những cậu ấm, cô chiêu được hưởng những ưu đãi, biệt đãi, sự thăng tiến thần kỳ. Mọi thứ đều được công khai là "đúng quy trình" sau khi được thanh tra - kiểm tra và chỉ lộ ra khi bị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết làm đến nơi đến chốn.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu vụ việc "đúng quy trình" trong xã hội sẽ được làm rõ là sai trái trong thời gian tới? Tâm lý này rất đáng lo ngại, nhất là những người trẻ cảm thấy hoang mang, mất niềm tin khi không biết cái gì là chuẩn mực để định hướng hành vi của mình.
Người trẻ đa số luôn khát khao khẳng định bản thân mình, trở thành những hình mẫu của xã hội. Điều đó là tốt. Nhưng chúng ta chưa giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ thế nào là giá trị chân chính.
Chúng ta có nhiều người trẻ tốt, một đặc điểm chung là những người trẻ này thường có môi trường giáo dục từ gia đình tới môi trường xung quanh tốt.
Phần còn lại là sự mất định hướng sống, coi việc trở thành đại gia lắm tiền nhiều của, sống hưởng thụ bất chấp tất cả, thậm chí trở thành anh chị, chuyên "nghề" dao búa, đâm thuê chém mướn để "lập nghiệp".
Nếu không có các giải pháp trung hạn, ngắn hạn, dài hạn để ngăn chặn tình trạng này thì tội ác trong giới trẻ sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, tàn ác hơn.
Định hướng tới giá trị nhân văn
Nền giáo dục hay định hướng phát triển xã hội cần xác định giá trị căn bản nhất - đó là tính nhân văn. Mọi phương pháp, chương trình, hành động của bộ máy nhà nước, của xã hội phải hướng con người tới cái đích cuối cùng này.
Tiền tài, địa vị, danh lợi hay mọi giá trị khác cần được xác định là công cụ để hướng con người tới những giá trị thiêng liêng, cao quý là tình yêu thương, chứ không phải vật chất, danh lợi, hưởng thụ là đích đến.
Tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên phải được coi là chân giá trị. Mỗi người cần tự nhìn lại mình, thay đổi bắt đầu từ chính mình để thay đổi người trẻ, thay đổi tương lai chứ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện.
Sự thay đổi ấy phải được khởi đầu từ những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục và các cấp lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Quan trọng hơn là mỗi chúng ta cũng cần thấy trách nhiệm phải làm điều đó ngay lúc này.
Người lớn sẽ là tấm gương, là bài học giá trị nhất để con trẻ đi theo, mỗi chúng ta cần là người tốt trước khi dạy trẻ em trở thành người tốt.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC
3 vụ thảm sát gây chấn động dư luận
Nghi can Nguyễn Hữu Tình với vết thương trên tay sau khi gây án
* Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi) để điều tra hành vi giết người và cướp tài sản.
Nguyễn Hữu Tình được xác định là nghi can sát hại 5 người trong gia đình tại căn nhà 131/48 đường số 7 (khu phố 8, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) vào rạng sáng 13-2.
Theo lời khai ban đầu, Tình cho rằng một mình tự gây án do tức giận bà chủ Hồng hay chửi mắng, đối xử không công bằng với Tình.
Nguyễn Hải Dương đã bị thi hành án tử hình
* Ngày 7-7-2015, 6 thành viên trong một gia đình tại H.Chơn Thành (Bình Phước) bị sát hại.
Ngay sau đó, lực lượng công an bắt giữ Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) là hung thủ trực tiếp ra tay và Vũ Văn Tiến là người giúp sức. Dương và Vũ Văn Tiến bị kết án tử hình.
Bị cáo Lê Văn Luyện tại phiên tòa
* Ngày 24-8-2011, Lê Văn Luyện đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang), giết hai vợ chồng và một cháu bé 18 tháng tuổi, chém cháu bé 8 tuổi đứt cánh tay. Luyện bị kết án 18 năm tù do chưa đủ 18 tuổi.
Thiếu kiến thức pháp luật
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến hành động phạm tội dã man là do các em thiếu kiến thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng. Hoặc những trường hợp các em nghỉ học từ rất sớm, đi làm thuê thì cũng ít có cơ hội tiếp cận kiến thức pháp luật nên không nhận thức được.
Việc cha mẹ không sâu sát, không gần gũi, không biết con mình đi đâu, làm gì, làm việc ở đâu, khi con dính đến vòng lao lý thì đã muộn mất rồi.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
Không thể biện minh
Những vụ án hình sự mà người phạm tội là đối tượng trẻ, nếu nói rằng không hiểu biết pháp luật, theo tôi là không đúng.
Vì một đứa trẻ cỡ 13 - 14 tuổi cũng thừa hiểu được giết người là vi phạm pháp luật và mức hình phạt có thể lên đến tử hình. Nên không thể nói vì không nhận thức được mà gây nên những hành vi phạm pháp dã man
Bà Trần Thị Hồng Việt (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM)
Tâm lý tiêu cực bị tích tụ
TS Đinh Thế Hưng
Khi nói đến tình hình tội phạm nói chung cũng như tội phạm do người chưa thành niên thì nhiều người nghĩ ngay đến pháp luật chưa nghiêm khắc. Tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân chính.
Không phải cứ trừng phạt thẳng tay là tội phạm sẽ giảm xuống. Bởi lẽ một người có trình độ tối thiểu đều phải biết giết người sẽ phải đối diện hình phạt tử hình.
Tội phạm học chỉ ra rằng tội phạm xảy ra đó là kết quả của sự tác động giữa những phẩm chất cá nhân tiêu cực (nhân cách) của người phạm tội cộng với điều kiện hoàn cảnh khách quan bên ngoài.
Theo quy luật đó, để tìm hiểu nguyên nhân của tội phạm trong giới trẻ, chúng ta phải bắt đầu từ việc xem xét quá trình hình thành nhân cách của người chưa thành niên, từ lúc sinh ra cho đến lúc tham gia và bị tác động bởi môi trường bên ngoài.
Môi trường đầu tiên hình thành nhân cách con người đó là gia đình. Một gia đình mà các thành viên yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau hoặc ngược lại, có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tính của con người sau này.
Do vậy, đối với gia đình thì phải chú ý mấy chữ: yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau.
Môi trường thứ hai là nhà trường. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ mà là nơi giáo dục kỹ năng sống.
Nhà trường phải là nơi định hướng các giá trị cho trẻ em. Phải dạy cho trẻ biết tính mạng, danh dự nhân phẩm của người khác là giá trị cao nhất.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các yếu tố tâm lý tiêu cực bị tích tụ sẽ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát. Rất tiếc là cái này trong nhà trường của chúng ta chưa quan tâm.
Nhân cách của con người bị tác động rất lớn bởi môi trường xã hội. Cái đầu tiên ảnh hưởng đến nhân cách trẻ em từ môi trường xã hội, đó chính là hành vi, cách xử sự của người lớn.
Ngoài ra còn có sự ảnh hưởng của báo chí, truyền thông, khi viết về các vụ án không nên khai thác quá chi tiết tình tiết cụ thể kiểu ly kỳ rùng rợn.
TS ĐINH THẾ HƯNG
(trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận