Grab và nhiều app khác không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển mà còn góp phần định hình thói quen tiêu dùng qua hàng loạt tiện ích từ giao đồ ăn (GrabFood), đi chợ online (GrabMart), đến gửi hàng (GrabExpress).
Không chỉ là gọi xe...
Cứ mỗi sáng, chị Lan Anh (35 tuổi, quận 4, TP.HCM) lại bắt đầu ngày mới với việc đặt một đơn hàng GrabMart. Từ những món nhu yếu phẩm cho bữa sáng đến thực phẩm tươi sống cho cả ngày, mọi thứ được giao đến tận cửa nhà chỉ sau vài cú chạm trên màn hình điện thoại.
Chị nói rằng nếu vài năm trước có ai bảo chị không cần đi chợ, chỉ cần ngồi ở nhà mà vẫn lo đủ cho gia đình, chắc chắn chị sẽ không tin.
Với chị Nguyễn Thị Hạnh (24 tuổi, kiến trúc sư), app công nghệ giúp chị giải quyết khá nhiều việc. "Tôi dùng app để đặt bữa trưa, gửi tài liệu cho khách hàng, hay thậm chí đặt thêm vài ly cà phê. Chỉ cần điện thoại, mọi thứ đều được giải quyết một cách nhẹ nhàng", chị Hạnh chia sẻ. Những thao tác đơn giản đã giúp chị không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giữ được sự tập trung cho công việc.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Đăng (ngụ Gò Vấp) nhớ lại trước đây, khi cần gửi đồ cho bạn bè hoặc gia đình, anh phải chạy xe trong cơn mưa tầm tã hoặc cái nắng gay gắt. Nhưng hiện nay, anh Đăng chỉ cần đặt đơn và theo dõi lộ trình giao hàng qua ứng dụng, mọi thứ diễn ra dễ dàng và thuận tiện.
Từ những người trẻ như chị Hạnh, đến các bà nội trợ bận rộn như chị Lan Anh hay những người đàn ông thực tế như anh Minh Đăng, tất cả đều tìm thấy giá trị riêng khi sử dụng app. App đã thay đổi cách nhiều người làm việc, ăn uống, di chuyển và mua sắm hằng ngày.
Đặc biệt, sự phổ biến của thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử như MoMo, ZaloPay thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo bước tiến cho nền kinh tế số của Việt Nam.
Chiến lược phát triển thành "siêu ứng dụng"
Sau khi Baemin, Gojek rời thị trường, Grab, Be, ShopeeFood, Xanh SM đang định hình lại thói quen tiêu dùng và chiến lược kinh doanh tại một trong những thị trường số phát triển nhanh nhất khu vực.
Theo khảo sát của Q&Me năm 2024, Grab hiện chiếm 66% thị phần gọi xe máy. Ở lĩnh vực giao đồ ăn, Grab hiện đang dẫn đầu.
Một trong những công thức giúp Grab duy trì vị thế chính là xây dựng hệ sinh thái đa dạng, từ gọi xe, giao đồ ăn, đi chợ hộ, đến giao hàng. Người dùng không chỉ mở ứng dụng để đặt xe mà còn có thể bị thu hút bởi các ưu đãi đặt đồ ăn hay đi chợ.
Ví dụ, một khách hàng mở Grab để gọi xe nhưng nhìn thấy ưu đãi giảm giá 30% cho một nhà hàng, họ có thể đặt thêm đồ ăn luôn.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện của một app khác cho biết ngay cả những dịch vụ tưởng chừng như đã bão hòa như gọi xe vẫn còn dư địa để phát triển. Điều này đòi hỏi ứng dụng không chỉ tập trung vào cải tiến sản phẩm mà còn cần năng lực vận hành mạnh mẽ để theo đuổi chiến lược dài hạn.
Theo các chuyên gia công nghệ, chiến lược phát triển thành siêu ứng dụng không chỉ giúp các app giữ chân khách hàng, mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành.
Việc tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một nền tảng cho phép các công ty tận dụng tốt tài xế và hạ tầng sẵn có, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất.
Chẳng hạn, ngoài các dịch vụ hiện có, Grab đã hợp tác với Agoda và Booking.com để cung cấp thêm dịch vụ đặt phòng khách sạn, bảo hiểm. Hay Ahamove - vốn là ứng dụng giao hàng - đang thử sức ở lĩnh vực giao đồ ăn...
Đua nhau khai thác thị trường 10 tỉ USD ở Việt Nam
Thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam, dự báo đạt quy mô 10 tỉ USD vào năm 2030, không chỉ là cuộc chơi về công nghệ mà còn là bài toán kinh tế phức tạp. Thành công của các ứng dụng không chỉ nằm ở việc thu hút khách hàng mà còn ở khả năng xây dựng một hệ sinh thái đủ mạnh để thích ứng với sự thay đổi trong hành vi người dùng và hạ tầng giao thông.
Ông Alejandro Osorio - giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam - dự báo nhu cầu của người dùng sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông và các chính sách vĩ mô.
"Các dự án như hệ thống đường cao tốc, bến xe liên tỉnh và mạng lưới metro sẽ thay đổi cách người Việt Nam di chuyển hằng ngày. Đó là cơ hội để chúng tôi đóng vai trò hỗ trợ và kết nối", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận