Văn phòng Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) vừa công bố chương trình xúc tiến tại Việt Nam trong năm 2024. Đáng chú ý là lần đầu tiên cơ quan này giới thiệu du lịch cao cấp đến đối tác trong nước.
Khách chi trên 170 triệu đồng/tour là cao cấp
Theo ông Uchida Shusuke, phó trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, sự gia tăng của nhóm người giàu ưa thích đi du lịch đã giúp Nhật Bản hình thành nên một thị trường du lịch mới là du lịch cao cấp. Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng cho dòng sản phẩm này.
Việc phát triển thị trường du lịch cao cấp không chỉ tăng hiệu quả kinh tế nhờ chi tiêu cao, mà còn góp phần hình thành các giá trị mới từ xu hướng du lịch mới, tác động đến đại chúng cũng như tạo ra hiệu ứng cho chính phát triển du lịch nội địa Nhật Bản.
Ông Uchida Shusuke cho biết JNTO định nghĩa nhóm khách này dựa trên số tiền chi tiêu của họ trong các chuyến du lịch chứ không hẳn là tài sản họ có.
Theo đó, du khách "sộp" là những người có tổng chi tiêu trên 1 triệu yen (gần 170 triệu đồng)/người cho mỗi chuyến đi du lịch đến Nhật Bản.
Không chỉ đơn giản chi tiêu nhiều, đây cũng là những du khách ham học hỏi, khám phá, những người có kiến thức, am hiểu văn hóa. Nhóm khách này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi khó khăn kinh tế, sẵn sàng đầu tư những thứ có giá trị đối với họ.
Tại sao không dựa trên tài sản? Thông thường người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD thì được xem là người giàu. Nhưng khi đi du lịch, những người sở hữu tài sản ít hơn họ vẫn có thể chi tiêu cao. Do đó, JNTO chú ý chi tiêu hơn là yếu tố tài sản.
Những người giàu có thường sắp xếp các chuyến đi thông qua các nhà thiết kế tour du lịch hay nhà điều phối chăm sóc khách hàng du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, họ cũng là thành viên của những hiệp hội du lịch cao cấp, thường trao đổi thông tin trong những hội kín. Các công ty này vì thế không công khai hoạt động rộng rãi ra bên ngoài.
"Sự kết nối giữa những người thiết kế du lịch cao cấp và những người phụ trách du lịch cao cấp là điều vô cùng quan trọng khi triển khai dòng sản phẩm này", đại diện JNTO nhấn mạnh.
JNTO cũng chia thành hai loại du lịch cao cấp. Trong đó, du lịch Classic Luxury còn gọi là du lịch cao cấp truyền thống dành cho những du khách từ 50 tuổi trở lên. Và nhóm thứ 2 là Modern Luxury, xu hướng cao cấp kiểu mới quan trọng giá trị trải nghiệm, ý nghĩa với bản thân hơn là sự xa xỉ. Độ tuổi của nhóm từ 20 đến 30 và đang tăng trưởng nhanh trên thế giới trong những năm gần đây.
Xa xỉ chưa hẳn là cao cấp
Bên cạnh các đặc điểm của thị hiếu, xu hướng chi tiêu của dòng khách giàu có cũng rất đa dạng. "Chúng tôi chia thành hai nhóm là nhóm chi tiêu cao cho tất cả khoản phí trong chuyến du lịch, và nhóm đầu tư trọng điểm vào hạng mục mức độ ưu tiên cao.
Trong đó, ở nhóm thứ hai, du khách chỉ chi tiêu tiền cho những thứ có giá trị với bản thân, đòi hỏi sự hấp dẫn và trải nghiệm đích thực hơn là xa xỉ. Mà chuyến đi của ông chủ Meta (công ty mẹ của Facebook) đến Sa Pa, Việt Nam vào năm 2011 là điển hình cho hình thức trải nghiệm này. Việc phân biệt hai nhóm này rất quan trọng trong tổ chức một chuyến du lịch cao cấp", ông Uchida Shusuke nói.
Theo cuộc khảo sát của tổ chức này, mô hình Modern Luxury ngày càng mở rộng, chiếm hơn một nửa và thị phần du lịch cao cấp của người tiêu dùng trẻ tuổi ngày càng tăng. Trải nghiệm du khách mong muốn với Nhật Bản đều về với thiên nhiên cũng như văn hóa độc đáo của xứ sở mặt trời mọc.
Số liệu báo cáo về thị trường du lịch cao cấp toàn cầu năm 2020 - 2024 dự đoán du lịch cao cấp toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình 4,5%/năm ở giai đoạn 2020 - 2024, và dự kiến đạt 213 tỉ USD vào năm 2024 này.
Đại diện JNTO cho biết năm 2022, có khoảng 1.000 người ở Việt Nam được coi là cực kỳ giàu có, gần gấp đôi số lượng được ghi nhận trong năm 2017. Và đến 2026, dự báo số người siêu giàu của Việt Nam sẽ tăng đến 38.600 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận