TTCT - Vấn đề không chỉ là con người sai, mà là họ quá tự tin vào sự sai lầm của mình. Có lẽ bạn đã từng dây vào một cuộc tranh luận - trên mạng lẫn ngoài đời - mà đối phương lập luận sai lè nhưng họ vẫn rất tự tin với những lý lẽ sai ấy. Cái "sai mà khăng khăng mình đúng" ấy phổ biến tới mức khoa học đã xác định được nguyên do.Nghiên cứu công bố hôm 9-10 của Đại học Ohio (Mỹ) chỉ ra bộ não của chúng ta thường tự tin thái quá, có thể nhanh chóng đưa ra một kết luận dù chỉ mới tiếp nhận rất ít thông tin. Giáo sư Angus Fletcher, đồng tác giả nghiên cứu, đã cho gần 1.300 tình nguyện viên, tuổi trung bình khoảng 40, đọc một bài báo hư cấu về một ngôi trường đang thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước ngầm cạn khô. Ngôi trường này đứng trước 2 lựa chọn: hoặc là vẫn cố bám trụ (và hy vọng mưa nhiều hơn trong tương lai), hoặc là sáp nhập một trường khác (sẽ giải quyết được bài toán nhất thời nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức khác).1.300 người được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm đọc nội dung bài báo với một phiên bản khác nhau. Cụ thể, nhóm thứ nhất, khoảng 500 người, đọc phiên bản ủng hộ sáp nhập. Nhóm thứ hai, khoảng 500 người, đọc bài ngả theo lựa chọn bám trụ. Và nhóm cuối cùng, khoảng 300 người, đọc bài báo được viết cân bằng, trong đó có 3 luận điểm ủng hộ sáp nhập, 3 luận điểm ủng hộ bám trụ và 1 ý kiến trung lập.Sau đó, các tình nguyện viên được yêu cầu nêu góc nhìn trường học này nên làm gì tiếp theo. Kết quả, phần lớn mọi người có xu hướng nói theo những gì họ đã đọc, nhất là với nhóm chỉ đọc một quan điểm. Nghĩa là nếu họ đã đọc bài báo theo phiên bản ủng hộ sáp nhập, họ cũng sẽ "bỏ phiếu" cho sáp nhập. Ngược lại, nếu đọc phiên bản bám trụ, họ sẽ theo phe bám trụ.Đặc biệt, 2 nhóm này thường rất tự tin mình đã có đủ thông tin. Dù chỉ đọc 1 giải pháp nhưng họ nghĩ như vậy là có thể hình thành nhận định. Trong khi đó, những người trong nhóm thứ ba - nhóm cân bằng - sau khi tiếp nhận thông tin về 2 giải pháp, lại thường do dự hơn khi phải quyết nên theo bên nào. "Quyết định của những người tham gia bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phần thông tin mà họ nhận được. Cuối cùng, những người tham gia tin rằng hầu hết những người khác sẽ đưa ra quyết định tương tự như quyết định của họ" - nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí PLOS One.Theo tiến sĩ Todd Rogers, nhà khoa học hành vi tại Trường Harvard Kennedy, các phát hiện mới từ công trình trên có phần tương đồng với nghiên cứu "con khỉ đột vô hình" nổi tiếng, từng thắng giải Ig Nobel 2004. Các nhà nghiên cứu cho người tham gia xem một đoạn video chỉ dài hơn 1 phút, trong đó có 2 nhóm sinh viên đang chơi chuyền bóng, một nhóm mặc áo trắng, một nhóm mặc áo đen. Đầu tiên họ được yêu cầu đếm xem các sinh viên áo trắng chuyền bóng được mấy lần, sau đó còn phải trả lời thêm một câu hỏi được giữ bất ngờ đến phút cuối: Có thấy một người mặc bộ đồ khỉ đột xuất hiện từng xuất hiện trong video không?Đúng là đã có một "con khỉ đột" như thế lướt qua khung hình, song phần lớn câu trả lời là không nhìn thấy. Theo tiến sĩ Rogers, đó là biểu hiện của hiện tượng tâm lý "mù thông tin do không chú ý": không nhận ra điều gì đó hiển nhiên vì đang tập trung vào một điều khác.Theo nhóm nghiên cứu Đại học Ohio, những người "sai mà nghĩ mình đúng" đã sa vào cái gọi là "ảo tưởng đủ thông tin" (illusion of adequacy). Đây là khái niệm tương đồng với một hiện tượng tâm lý đã được gọi tên trước đó: "ảo tưởng về độ sâu giải thích" (illusion of explanatory depth).Nhà tâm lý học Barry Schwartz từ Đại học Swarthmore, Pennsylvania, giải thích: con người thường rất dễ lầm tưởng mình đã hiểu rõ một vấn đề, tới khi bị hỏi sâu vào chi tiết mới thấy ấp úng.Chẳng hạn, nếu bạn hỏi một người nào đó có biết cách một nhà vệ sinh hoạt động không, phần lớn sẽ trả lời rằng có. Nhưng khi được yêu cầu giải thích rõ cách nhà vệ sinh hoạt động, họ sẽ khựng lại ngay. Rốt cuộc, nhiều người chỉ biết mỗi cách… ấn xả nước. "Vấn đề không chỉ là con người sai, mà là họ quá tự tin vào sự sai lầm của mình" - Schwartz nói với NBC News.Điều khiến các nhà nghiên cứu Đại học Ohio bất ngờ là con người cởi mở và sẵn sàng thay đổi ý kiến hơn chúng ta nghĩ. Trong phần cuối của thử nghiệm, ½ số người tham gia trong mỗi nhóm được yêu cầu đọc phiên bản bài báo của "phe đối lập", mâu thuẫn với bài viết họ đã đọc trước đó.Kết quả, trái với sự tự tin ban đầu, sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin, phần đông họ thường sẵn sàng thay đổi quan điểm, chí ít là bớt tự tin hơn. "Chúng tôi cứ nghĩ mọi người sẽ bám lấy quan điểm ban đầu ngay cả khi nhận được thông tin trái ngược. Nhưng thực tế, nếu biết thêm điều gì nghe có vẻ hợp lý, họ sẵn sàng thay đổi hoàn toàn ý kiến" - Fletcher nói. Dù vậy, theo ông, sự linh hoạt này không đúng với những khác biệt tồn tại từ lâu như niềm tin chính trị.Để tránh rơi vào ảo tưởng đủ thông tin, Fletcher khuyên mỗi khi thấy bất đồng quan điểm với người khác, hãy dừng lại và tự hỏi: Liệu ta có đang bỏ sót thứ gì có thể giúp thấy rõ hơn quan điểm và hiểu rõ lập trường của đối phương không? "Điều này có thể giúp giảm bớt xung đột cá nhân không cần thiết, cho phép chúng ta tập trung năng lượng vào việc xử lý các khác biệt cốt lõi giữa mình và người khác" - ông nói với PopScience. Tags: trường họcKhoa họcTâm lýNghiên cứu
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Xuân Son, Tiến Linh giúp Việt Nam đặt một chân vào chung kết ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 26/12/2024 Đội tuyển Việt Nam đánh bại Singapore 2-0, rộng cửa vào chung kết ASEAN Cup 2024.
Vì sao trọng tài từ chối siêu phẩm của Nguyễn Xuân Son vào lưới Singapore? QUANG THỊNH 26/12/2024 Trọng tài Kim Woo Sung (Hàn Quốc) cho rằng tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã để bóng chạm tay trước khi tung cú sút tung lưới Singapore ở trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024.
Reuters: Máy bay Azerbaijan chở 67 người rơi do bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ TRẦN PHƯƠNG 26/12/2024 4 nguồn tin thông tin với Reuters ngày 26-12: Máy bay Azerbaijan chở 67 người rơi do bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ.
Doanh nghiệp chê 'mặn' khi ông Lưu Bình Nhưỡng nói nhỏ 'xong việc đưa chú ba trăm ngàn' DANH TRỌNG 26/12/2024 Cáo trạng thể hiện trong lúc viết phiếu chuyển đơn của doanh nghiệp gửi lãnh đạo cấp cao xem xét, ông Lưu Bình Nhưỡng nói nhỏ "xong việc đưa chú ba trăm ngàn", giám đốc doanh nghiệp nói "sao mặn thế" khi được truyền đạt lại yêu cầu này.