Mỗi người có sự cảm nhận khác nhau đối với cơn đau - Ảnh: BBC
Đau là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước một tác động từ bên ngoài hoặc tổn thương bên trong nhằm "báo cáo" việc cần tìm đến sự chăm sóc y tế. Trong những hoàn cảnh bình thường, phản ứng tự nhiên này nhằm bảo vệ cơ thể cho đến khi tổn thương đó hồi phục và cơn đau giảm xuống.
Tuy nhiên, cùng một sự tác động nhưng mỗi người lại cảm nhận cơn đau khác nhau. Cơ thể họ cũng sẽ có những phản ứng không giống nhau trước cảm giác đau. Điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị y tế.
Tiến sĩ Gila Moalem-Taylor, giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales (Anh) cho biết: "Ngưỡng đau xác định mức độ mà chúng ta cảm thấy một kích thích gây đau đớn. Tất cả bắt đầu tác động tại các thụ cảm thể nhận cảm đau (nociceptor). Chúng được chuyển thành tín hiệu đau sau đó truyền đi trên khắp hệ thống thần kinh trung ương thông qua một loạt các "con đường đau".
Moalem-Taylor giải thích: "Có một "con đường" đi từ vùng ngoại vi (da) vào các tế bào trong hạch và cột sống. Từ đó, cảm giác đau được truyền lên não".
Mỗi cá nhân sẽ có một biểu hiện khác nhau khi các thụ cảm thể nhận cảm đau bắt đầu truyền tín hiệu. Trong mỗi lớp mà thông tin đi qua, có thể có một số hiệu ứng điều chỉnh làm giảm hoặc tăng mức độ cảm giác đau.
Một lý giải khác được đưa ra là do sự khác biệt về gen.
Gen của loài người có những biến thể di truyền khác nhau làm nên sự khác nhau giữa người này với người kia. Phần lớn trong số biến thể tạo nên sự khác biệt đó là những điểm đa hình đơn nucleotide (SNPs).
Có khoảng 10 triệu SNPs được biết đến trong hệ gen của con người. Sự kết hợp các SNPs của một cá nhân tạo nên mã DNA của người đó. Khi một SNPs phổ biến, nó được gọi là một biến thể; khi một SNPs hiếm, chỉ chiếm chưa đầy 1 phần trăm dân số, nó được gọi là đột biến.
Sự khác biệt về biến thể trong gen là bằng chứng cho thấy việc mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về cơn đau.
Trong số các biến thể tạo nên sự khác biệt ấy, SCN9A là gen đáng chú ý nhất. Có rất ít người trên thế giới có gen SCN9A. Khi mang gen này, người đó sẽ mất hoàn toàn cảm giác đau đớn hoặc cảm thấy quá nhạy cảm với cơn đau.
Không thấy đau không phải là điều tuyệt vời, bởi lẽ người đó sẽ không phát hiện ra các thương tích cơ thể. Một người có gen SCN9A sẽ không cảm nhận được cơn đau tim, cũng không biết mình bị đau ruột thừa, không thể điều trị y tế kịp thời và có thể mất mạng ngay trước khi họ nhận ra cơ thể có vấn đề.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình tìm hiểu vấn đề này nhằm tạo ra những phương pháp giảm đau hiệu quả hơn trong việc điều trị y tế và hiểu "tại sao bị đau" chứ không chỉ là "đau chỗ nào".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận