17/10/2022 09:32 GMT+7

Vì sao nghệ thuật là nạn nhân của những cuộc tấn công?

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Bức tranh Hoa hướng dương trị giá 84 triệu đô la Mỹ của Van Gogh vừa bị một nhóm người tạt xúp cà chua. Nhìn vào tác phẩm nhễu nhại chất bẩn, nhiều người không khỏi bức xúc: đến khi nào các tác phẩm nghệ thuật mới thôi bị hủy hoại?

Vì sao nghệ thuật là nạn nhân của những cuộc tấn công? - Ảnh 1.

Các nhà hoạt động Just Stop Oil tạt xúp cà chua vào tranh Van Gogh hôm 14-10 - Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 2, nhân lúc buồn chán, một bảo vệ đã dùng bút bi vẽ thêm mắt cho các nhân vật trong tranh của họa sĩ Anna Leporskaya, làm hư hại tác phẩm có giá hơn 1 triệu đô la. 

Đến tháng 5 vừa rồi, kiệt tác Mona Lisa lại lần nữa trở thành nạn nhân của nạn phá hoại. Vị khách tham quan cố gắng phá tấm kính bảo vệ bức tranh nhưng bất thành nên chuyển sang bôi trát kem lên bên ngoài tác phẩm.

Tình trạng này không phải mới mẻ. Vào thế kỷ thứ 5, Vandals - một bộ lạc vùng Đông Đức - đã xâm lược Rome và phá hủy hàng loạt tác phẩm nghệ thuật, công trình kiến trúc thiêng liêng. Thuật ngữ Vandalism (tạm dịch: sự phá hoại) cũng được khởi phát từ sự kiện trên.

Chúng ta không thể ngăn nghệ thuật lay chuyển con người, ngay cả khi chúng đưa người xem đến với sự bạo lực dành cho chính tác phẩm.

Nhà sử học nghệ thuật NOAH CHARNEY

Nghệ thuật - thỏi nam châm thu hút sự bất ổn

Nếu các tác phẩm hội họa, điêu khắc có ma lực để dẫn lối người xem chen chúc giữa đám đông nóng nực ở cổng Bảo tàng Lourve thì chúng cũng có khả năng thu hút những người gặp vấn đề tâm lý.

Năm 1972, một người đàn ông vừa dùng búa đập phá bức tượng Pietà của Michelangelo vừa hét lên những lời lẽ cuồng tín và sau đó bị tống vào trại tâm thần. Hay như bức tượng David, tác phẩm khác của Michelangelo, bị đập đến mức gãy ngón chân cũng do người mắc chứng hưng cảm gây ra.

Năng lực khơi dậy cảm xúc của nghệ thuật khiến chúng đứng giữa lằn ranh vinh quang và rủi ro, giữa sự suy tôn và hủy hoại. "Chúng ta không thể ngăn nghệ thuật lay chuyển con người, ngay cả khi chúng đưa người xem đến với sự bạo lực dành cho chính tác phẩm" - nhà sử học nghệ thuật Noah Charney viết trên chuyên trang Salon.

Tuy nhiên, bỏ ra bên ngoài yếu tố thần kinh hoặc sự vô ý, vẫn còn đó những câu hỏi bỏ ngỏ về động cơ của những đối tượng phá hoại có chủ đích. 

Năm 2008, luật sư M. J. Williams từng xuất bản bài nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này. Dựa trên các tư liệu thu thập được, ông chia các hành vi phá hoại nghệ thuật làm hai loại: chiến thuật và biểu cảm.

"Loại hành động mang tính chiến thuật gồm các cuộc tấn công nhằm thu hút sự chú ý đến mục đích chính trị. Được thiết kế để gây ra sự phẫn nộ và sợ hãi của công chúng, hành động phá hoại chiến thuật nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật được công chúng tôn trọng" - ông viết.

Những vụ đình đám có thể kể đến sự kiện năm 1993 khi một băng nhóm xã hội đen đánh bom phòng trưng bày Uffizi nhằm gây bất ổn cho Chính phủ Ý. 

Năm người tử vong và hàng loạt bức tranh bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc tấn công. Năm 2002, bức tượng Margaret Thatcher do nhà điêu khắc Neil Simmons thực hiện đã bị một thanh niên trẻ cắt phăng đầu với mục đích phản đối chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Theo cách phân loại trên, có thể xếp vụ việc bức tranh Hoa hướng dương (Sunflowers) của Van Gogh bị tạt chất bẩn mới đây vào nhóm này. Hai nhà hoạt động thuộc Tổ chức Just Stop Oil đã cố tình phá hoại tác phẩm để kêu gọi nhận thức của công chúng đối với tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong khi hành vi mang tính chiến thuật lợi dụng các bức tranh thì hành vi mang tính biểu cảm lại có vấn đề với chính tác phẩm. Ngoài ra, lịch sử từng ghi nhận vài nghệ sĩ tấn công nghệ thuật và tuyên bố hành vi của họ tạo nên một tác phẩm độc lập.

Bên cạnh đó, luật sư M. J. Williams lưu ý nguyên nhân cuộc phá hoại còn đến từ cảm giác bị loại trừ ra khỏi cộng đồng khi người xem không thể cảm được một tác phẩm được đánh giá cao.

Thái độ của truyền thông

Dù các phòng trưng bày đã thắt chặt an ninh và tăng cường kính chống đạn để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật danh tiếng nhưng chẳng điều gì có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Hơn nữa, bảo tàng chỉ thực hiện được những biện pháp phòng vệ cho tranh chứ không thể ngăn cản các nhà hoạt động ngang nhiên biến tác phẩm thành sân khấu chính trị.

Nhà sử học nghệ thuật Noah Charney đã kêu gọi sự tham gia của truyền thông trong công cuộc bài trừ những hành vi tương tự. 

Liệu kẻ phá hoại có cắt xẻ, bôi trát lên tác phẩm khi họ biết chắc rằng tên tuổi, hình ảnh và quan điểm bản thân sẽ không bao giờ được nhắc đến hay chú ý? 

Ông chia sẻ: "Nếu phương tiện truyền thông từ chối công bố tên hoặc ảnh của những kẻ phá hoại, hoặc các tuyên bố sau đó của họ, thì động cơ gây ra những vụ việc như vậy sẽ bị loại bỏ".

Nếu Van Gogh sai AI vẽ tranh rồi chép lại... Nếu Van Gogh sai AI vẽ tranh rồi chép lại...

TTCT - Giả sử nếu Van Gogh còn sống và yêu cầu AI sáng tác tranh rồi vẽ lại cái tranh ấy bằng sơn dầu thực sự, lúc đó tác giả tranh là Van Gogh, hay Van Gogh chỉ là đồng tác giả?

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên