Ngải cứu tên khoa học là Artemisia vulgaris, là một loài thực vật thuộc họ cúc (Asteraceae). Đây là loại cây cỏ sống lâu năm, thân có rãnh dọc, lá mọc so le không cuống, màu hai mặt lá khác nhau, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm, mặt dưới trắng tro, có nhiều lông nhỏ.
Cây ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, có thể trồng quanh nhà làm thuốc.
Theo Đông y, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau. Ngải cứu có thể dùng nấu món ăn, sắc nước uống hoặc làm thành túi chườm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội), một số lợi ích tuyệt vời của ngải cứu đối với sức khỏe như sau:
- Hỗ trợ trị đau khớp: Trong y học cổ truyền, ngải cứu được sử dụng như một bài thuốc để hỗ trợ điều trị đau mỏi khớp nhờ các thành phần hoạt tính có tác dụng giảm đau, giảm viêm.
Bên cạnh đó, kết hợp ngải cứu và muối biển sẽ góp phần đả thông khí huyết, làm ấm cơ thể, cải thiện khả năng vận động, rất có lợi trong việc hỗ trợ điều trị viêm khớp.
- Chống viêm: Ngải cứu chứa các hợp chất chống viêm mạnh mẽ như flavonoid và sesquiterpene lactones, giúp giảm viêm và sưng ở các khớp bị tổn thương.
Viêm là một trong những nguyên nhân chính gây đau nhức xương khớp, do đó ngải cứu có thể giúp giảm bớt triệu chứng này một cách hiệu quả.
- Giảm đau: Ngải cứu có tính chất giảm đau tự nhiên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngải cứu có thể làm giảm đau thông qua việc ức chế các chất dẫn truyền đau trong cơ thể. Sử dụng ngải cứu trong các bài thuốc hoặc dạng chườm nóng có thể giúp giảm đau nhức xương khớp.
- Cải thiện lưu thông máu: Ngải cứu giúp cải thiện tuần hoàn máu, từ đó cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn đến các khớp. Điều này không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi của các mô bị tổn thương.
- Tăng cường chức năng khớp: Ngải cứu có thể giúp cải thiện chức năng của các khớp bằng cách bảo vệ và tăng cường cấu trúc sụn khớp. Các thành phần trong ngải cứu như axit hữu cơ và vitamin có tác dụng nuôi dưỡng sụn khớp, giúp khớp linh hoạt và khỏe mạnh hơn.
- Kháng khuẩn, kháng nấm trị đau khớp: Ngải cứu có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở các khớp bị tổn thương. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị viêm khớp do nhiễm trùng.
Lưu ý khi dùng ngải cứu
Theo các chuyên gia về sức khỏe, mặc dù ngải cứu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cũng cần lưu ý khi sử dụng.
Không nên sử dụng ngải cứu trong thời gian dài, vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt.
Đối với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai… chỉ nên dùng 3 - 5 ngọn nhỏ (9 - 15g tươi), tránh dùng quá liều.
Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe nhưng những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế ăn trứng.
Những người ốm dậy thể trạng còn yếu, người già, phụ nữ sau sinh nếu không có bệnh như nói trên thì nên ăn cách ngày một quả trứng là tốt nhất hoặc 7 - 10 ngày là một liệu trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận