Phát biểu ngày 25-3, ông Putin nói Nga sẽ đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus. "Chúng tôi đã giao tới Belarus hệ thống cực kỳ hiệu quả và nổi tiếng Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân.
Ngày 3-4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện và ngày 1-7 sẽ hoàn tất việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus", tổng thống Nga nói với kênh truyền hình Rossiya-24.
Ông Putin nói gì về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus?
Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân ở một quốc gia khác. Hãng tin Reuters nhận định đây cũng là tín hiệu hạt nhân rõ ràng nhất của ông Putin trong hơn một năm chiến sự, và là lời cảnh báo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc NATO ủng hộ quân sự cho Ukraine.
Loại vũ khí hạt nhân được Nga đề cập là vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW), được hiểu là các loại vũ khí hạt nhân dùng cho các mục đích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, chứ không dùng cho mục đích hủy diệt trên diện rộng, ví dụ hủy hoại các thành phố lớn.
Hiện chưa rõ vũ khí của Nga sẽ lưu trữ ở địa điểm nào tại Belarus. Theo Reuters, việc chuyển giao này sẽ mở rộng khả năng tấn công hạt nhân của Nga dọc theo biên giới phía đông của NATO.
Kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Nga. Trước đây, Matxcơva thường tuyên bố họ không triển khai vũ khí hạt nhân ngoài biên giới.
Trong phát biểu về vấn đề trên, ông Putin nói: "Không có gì bất thường ở đây cả. Trước hết, Mỹ đã làm điều này suốt vài thập niên. Họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các nước đồng minh.
Chúng tôi nhất trí rằng sẽ hành động tương tự, không vi phạm nghĩa vụ của mình. Tôi nhấn mạnh, không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân".
Theo Guardian, vũ khí hạt nhân của Mỹ được cho đang hiện diện ở 6 căn cứ: Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi ở Ý, Volkel ở Hà Lan, và Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Khoảng một nửa số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đang đặt tại châu Âu. Năm ngoái, tờ Politico cũng lần đầu đưa tin về việc Mỹ đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp kho lưu trữ vũ khí hạt nhân tại châu Âu từ tháng 12-2022.
Tới nay, một phần vì thiếu thông tin về loại đầu đạn cụ thể của Nga có thể chuyển tới Belarus, Mỹ cũng như quan chức NATO phản ứng khá thận trọng.
Họ cho rằng sự đe dọa hạt nhân từ ông Putin là vô trách nhiệm. Chưa có thông tin nào nói Nga vi phạm luật pháp quốc tế. Phương Tây cũng cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ thực sự làm vậy.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus đi ngược lại cam kết giữa Nga và Trung Quốc?
Hôm 26-3, cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul khẳng định tuyên bố của Tổng thống Putin về việc triển khai vũ khí ở Belarus là hành động không nể mặt Trung Quốc.
Khoảng một tuần trước, khi tới thăm Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã có một tuyên bố chung, trong đó hai bên nhắc tới vũ khí hạt nhân như sau:
"Mọi cường quốc hạt nhân đều không được triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của mình, và phải rút hết các loại vũ khí hạt nhân đặt ở nước ngoài".
Tuy nhiên, Viện Hòa bình Mỹ (U.S. Institute of Peace) từ năm 2022 đã phân tích rằng dù Trung Quốc sẽ khó xử khi Nga dùng vũ khí hạt nhân, không loại trừ khả năng Bắc Kinh vẫn duy trì sự gắn kết với Nga kể cả khi Matxcơva triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Khó có khả năng ông Putin quyết định đưa ra tuyên bố như vậy nếu không có sự trao đổi với Trung Quốc vài ngày trước đó.
Chuyện Nga bất ngờ tuyên bố về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, sau cùng, cũng có thể là cách "nhắc khéo" cộng đồng quốc tế rằng Mỹ đang hành động tương tự tại châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận