Quan tài cựu tổng thống Jacques Chirac được phủ quốc kỳ Pháp trong nghi lễ tang chính thức tổ chức ở điện Invalides dành cho dân chúng đến viếng vào sáng 30-9 - Ảnh: REUTERS
Trong văn bản chia buồn gửi đến Paris, ông Pompeo nói rằng cựu tổng thống Chirac "đã dành trọn cuộc đời cho đất nước, có các nỗ lực không mệt mỏi để giữ vững các giá trị và lý tưởng mà chúng tôi cùng chia sẻ với nước Pháp".
Nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhắc lại lời ông Chirac nói về nước Mỹ, nơi ông từng theo học và làm việc trong thập niên 1950 rằng Mỹ là "một quốc gia mà tôi yêu mến, ngưỡng mộ và tôi cũng biết khá rõ".
Văn bản của Ngoại trưởng Mỹ còn nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ quên rằng tổng thống Chirac là vị nguyên thủ quốc tế đầu tiên tới Mỹ sau cuộc tấn công ghê gớm ngày 11-9-2001" và "Mỹ và Pháp đứng cạnh nhau để thúc đẩy dân chủ và hòa bình khắp thế giới, một mối liên hệ dài lâu và còn tiếp tục cho tới ngày hôm nay".
Giới truyền thông "thánh soi" thấy rằng trong lời chia buồn của Mỹ không hề nhắc gì tới việc tổng thống Chirac khi còn đương nhiệm đã kịch liệt chống lại cuộc tấn công của Mỹ (thời tổng thống George W. Bush, tức Bush con) vào Iraq năm 2003.
Việc Pháp từ chối không tham dự cuộc chiến này đã khiến gây ra sự căng thẳng giữa Paris và Washington, vốn kéo dài trong mấy năm.
Việt Nam chia buồn cựu tổng thống Pháp qua đời
Được tin cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời, ngày 27-9-2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Pháp Edouard Philippe.
Cùng ngày 27-9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian.
Tổng thống George W. Bush, tức Bush con và Tổng thống Chirac năm 2004 - Ảnh: AFP
Các nhà phân tích cũng thừa hiểu chính quyết định này của ông Chirac đã khiến chính quyền ông Trump chọn cách chia buồn chỉ bằng cấp ngoại trưởng và chọn cách "chia buồn muộn".
Cựu tổng thống George W. Bush, người từng không ít lần trò chuyện hay gặp gỡ Chirac khi cả hai còn đương nhiệm, cũng không đề cập gì tới việc ông Chirac qua đời.
Cựu tổng thống Bill Clinton, người tiền nhiệm của ông Bush, trong khi đó lại có lời ca ngợi ông Chirac là "là lãnh đạo cương quyết, khôn khéo".
Điện Elysée thông báo có khoảng 30 nhà lãnh đạo thế giới, gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Hungary Viktor Orban… sẽ đến Paris tham dự buổi lễ đưa tang ông Chirac tổ chức ở nhà thờ Saint-Sulpice vào trưa 30-9 (tức 17h chiều 30-9, giờ VN).
Hôm qua, Nhà Trắng thông báo đại sứ Mỹ tại Pháp, bà Jamie McCourt, sẽ đại diện Mỹ trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay 30-9.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trước linh cữu của cố tổng thống Jacques Chirac đặt trong sân điện Invalides sáng 30-9 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận