Một hình ảnh của virus corona dưới kính hiển vi điện tử có màu - Ảnh: NIAID
Trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học nhận thấy một số người bị bệnh rất nặng, trong khi một số khác hồi phục nhanh chóng hơn.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy virus corona chủng mới có khả năng làm rối loạn hệ thống miễn dịch của một số bệnh nhân. Cơ thể những người này không thể kết hợp các tế bào và phân tử phù hợp để chống lại virus. Thay vào đó, toàn bộ hệ miễn dịch của họ hoạt động và gây tàn phá ngay cả các mô đang khỏe mạnh.
Nghiên cứu do tiến sĩ Akiko Iwasaki dẫn đầu. Nhà miễn dịch học của Đại học Yale sử dụng các dữ liệu thu thập được để đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng cá nhân, làm giảm bớt triệu chứng hoặc tiêu diệt virus trước khi nó khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mạnh mẽ và làm tổn thương bệnh nhân.
"Nhiều dữ liệu cho thấy chúng ta cần phải hành động sớm trong quá trình này" - ông John Wherry, nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, nhận định.
"Khi ngày càng có nhiều phát hiện được công bố, các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu thử nghiệm ý tưởng làm thay đổi quỹ đạo của dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Khi virus gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tìm cách xâm nhập cơ thể, nếu là loại quen thuộc, ví dụ virus cúm, phản ứng miễn dịch sẽ kích hoạt sự bảo vệ qua hai bước.
Đầu tiên, một "đội kỵ binh chiến đấu" nhanh chóng tập trung đến vị trí bị nhiễm trùng và cố gắng tiêu diệt virus. Sau đó, phần còn lại của hệ thống miễn dịch sẽ chờ thời gian để tiếp tục tấn công virus.
Phần lớn phản ứng miễn dịch sớm phụ thuộc vào các phân tử tín hiệu (gọi là cytokine) được sản sinh để đáp ứng với virus. Cytokine có thể huy động "đội quân" tiếp viện từ các nơi khác trên cơ thể và tạo ra dấu vết của sự viêm nhiễm.
Cuối cùng, các tế bào và phân tử này sẽ lùi lại, nhường chỗ cho các kháng thể và tế bào T - những "sát thủ" chuyên tiêu diệt virus và các tế bào bị virus tấn công.
Tuy nhiên, sự phối hợp nhịp nhàng này dường như lại không xuất hiện ở những ca nhiễm COVID-19 nặng. Thay vì ngưng hoạt động, các cytokine không ngừng đưa ra báo động, kể cả khi kháng thể và tế bào T đã xuất hiện. Điều này khiến sự viêm nhiễm tiếp tục diễn ra ngay cả khi không còn cần thiết nữa.
Tín hiệu phát ra liên tục này khiến cơ thể không có khả năng kiểm soát virus, tiến sĩ Iwasaki giải thích.
Vì thế nhiều người chứa các mầm bệnh này trong cơ thể rất lâu, tạo ra phản ứng viêm nhiễm nặng nề cho các cơ quan khác, trong khi những bệnh nhân khác lại mau hồi phục.
Rất nhiều loại virus khác, bao gồm những loại gây ra AIDS và herpes, đã tiến hóa với các thủ thuật để tránh né hệ thống miễn dịch. Bằng chứng gần đây cho thấy chủng virus corona mới có khả năng trì hoãn hoặc làm suy yếu interferon - một trong những cytokine bảo vệ cơ thể sớm nhất.
Sự thất bại của tuyến phòng thủ đầu tiên này khiến hệ thống miễn dịch phát ra tiếng chuông báo động lớn hơn, dẫn đến các hoạt động quá mức của cytokine gây tàn phá cơ thể người bệnh.
Ngoài ra, chất lượng của các cytokine này cũng quan trọng không kém số lượng. Trong một nghiên cứu công bố hồi tuần trước, tiến sĩ Iwasaki và đồng sự cũng cho thấy bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng dường như phát ra các tín hiệu phù hợp hơn để loại bỏ các mầm bệnh không phải là virus.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận