TTCT - Không ai có thể biết chính xác ở một đất nước mênh mông, đa dạng và đông đúc như Trung Quốc có bao nhiêu ngôn ngữ đang được sử dụng, vài trăm là chắc chắn, nhưng cũng có thể là hàng nghìn, nếu tính cả các biến thể khác nhau của Hán ngữ hay tiếng Hoa. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh vừa ra một quyết định nhiều tham vọng có thể làm thay đổi cục diện đó. Nghị quyết của Quốc vụ viện, tức Chính phủ Trung Quốc, tuần trước cho biết một chiến dịch quy mô lớn sẽ được mở để thúc đẩy tiếng phổ thông với mục tiêu đến năm 2025, 85% dân chúng sẽ sử dụng nó là ngôn ngữ thứ nhất. Ảnh: Guardian.com Nghị định nói việc sử dụng tiếng phổ thông vẫn còn “thiếu cân đối và đầy đủ” và cần được thúc đẩy để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Chính sách mới cũng nhắm tới việc biến tiếng phổ thông thành thứ tiếng phổ quát ở Trung Hoa cho tới năm 2035, ngụ ý phủ kín 100% dân chúng, bao gồm cả các vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.Chính phủ giải thích sự đồng nhất về ngôn ngữ là cần thiết để phát triển kinh tế và đoàn kết quốc gia. Nghị định yêu cầu “tăng cường giám sát để bảo đảm tiếng nói và chữ viết chung trên toàn quốc được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức trong các cơ quan nhà nước và là ngôn ngữ cơ bản ở nhà trường, trên tin tức và xuất bản phẩm, đài phát thanh, phim ảnh và truyền hình, dịch vụ công và các lĩnh vực khác”. Nghị định cũng kêu gọi “thúc đẩy mạnh mẽ địa vị và ảnh hưởng quốc tế của tiếng Hoa” trong giới học thuật, các tổ chức và hội nghị quốc tế.Những tuyên bố đó không có gì đáng ngạc nhiên. Mọi nỗ lực xây dựng quốc gia - dân tộc hiện đại đều phải dựa trước hết trên sự thống nhất về ngôn ngữ, vốn luôn là điều khó làm nhất và là yếu tố văn hóa còn lại sau cùng khi mà gần như tất cả những thứ khác: kinh tế, xã hội, lối sống, thậm chí là phong tục tập quán… đều bị đồng hóa ở gần như mọi quốc gia mà một dân tộc - ngôn ngữ trở nên quá áp đảo so với phần còn lại (người Hán hiện chiếm khoảng 92% tổng dân số Trung Quốc).Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 3.000 ngôn ngữ trên toàn thế giới đang bị đe dọa, tức khoảng một nửa số ngôn ngữ được sử dụng trên toàn cầu. Nhưng điều gì dẫn tới cái chết của một ngôn ngữ? Không giống việc chinh phạt một nhà nước hay làm sụp đổ một hệ thống kinh tế, ngôn ngữ - do sự gắn bó nội tại với những người nói - không dễ xóa sổ, thậm chí là sau hàng trăm thế hệ sống dưới một nền cai trị ngoại bang (tiếng Việt chính là ví dụ).Các tiến trình xóa sổ một ngôn ngữ, vì vậy, diễn ra từ từ: sự dịch chuyển dần từ một hệ thống sang một hệ thống khác được coi là tiện lợi hay có địa vị cao hơn. Chỉ có điều, tiến trình đó thường diễn ra với nhiều bạo lực. “Ngôn ngữ không mất đi, chúng chỉ có thể bị chiếm đoạt”, nhà báo James Griffiths nói trong cuốn Speak Not: Empire, Identity and the Politics of Language (Không được nói: Đế quốc, bản sắc và chính trị của ngôn ngữ). “Chúng bị nhổ bật gốc rễ vì sự trấn áp hoặc thờ ơ, những người nói bị đồng hóa vào một ngôn ngữ mới, hay bị bỏ mặc vật lộn trong một không gian cứ ngày càng mờ nhạt”.Griffiths nghiên cứu cho cuốn sách của ông dựa trên ba khu vực Wales, Hawaii và Hong Kong, những nơi dù cách nhau hàng nghìn dặm, đều đã trải qua quá trình thực dân hóa. Wales là “thuộc địa đầu tiên” của người Anh, trong khi Hawaii từ thuộc địa trở thành vùng lãnh thổ, rồi một tiểu bang của Hoa Kỳ (mới vào năm 1959). Hong Kong là thuộc địa của Anh, với những bản sắc ngôn ngữ và văn hóa riêng suốt hàng trăm năm.Những ngôn ngữ bản địa của Wales và Hawaii đều bên bờ vực tuyệt chủng vì hàng loạt chính sách đàn áp cũng như những ảnh hưởng khó thấy hơn của di dân, sự hạ thấp địa vị tiếng bản địa so với ngôn ngữ “chính thống” và cải cách giáo dục. Dần dần, qua từng thế hệ, các ngôn ngữ bị bào mòn, từ sinh ngữ trở thành tử ngữ, hoặc một thứ “ngôn ngữ xác sống” do không còn được sử dụng và tương tác.Hong Kong có hơi khác, bởi những cư dân nói tiếng Quảng Đông ở đây thuộc về một cộng đồng còn rất đông đảo, với khoảng 80 triệu người trên toàn cầu, tập trung ở miền nam Trung Quốc. Cuộc tranh luận về tiếng Quảng cũng không phải đợi tới nghị định vừa rồi mới bùng lên. Dù có tầm quan trọng khó thể tranh cãi trong thương mại và văn hóa thời cổ, tận từ thời Thanh, Ung Chính Đế (trị vì 1722-1735) đã tỏ ra khó chịu với “tiếng nói líu lo, không ra lời lẽ của quan lại vùng Mân [Phúc Kiến], Việt [Quảng Đông]”. Đến 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, tiếng phổ thông, dựa trên ngữ âm miền bắc, trở thành ngôn ngữ quốc gia.Griffiths không cho rằng tiếng Quảng Đông có thể bị đe dọa ngay, nhưng nhìn thấy một tương lai giống tiếng Wales và Hawaii, hay gần và cụ thể hơn, tiếng Tạng. “Tiếng Quảng sẽ đối mặt với những năm tháng khó khăn phía trước - Griffiths kết luận - Những người nói ngôn ngữ đó có thể sẽ biến mất nhanh hơn là họ tưởng”. ■ Tags: Ngôn ngữNgôn ngữ biến mấtTiếng HoaTiếng QuảngĐồng hóa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.