Trường tiểu học thị trấn Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) được công nhận chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất xập xệ - Ảnh: NINH VŨ
Trong đợt rà soát của năm trước, Hà Nội có 205 trường đã đạt chuẩn cần công nhận lại theo quy định (5 năm phải xem xét để công nhận lại, kể từ thời điểm đạt chuẩn).
Nhưng tới thời điểm này, Hà Nội mới chỉ công nhận lại được 24 trường. 181 trường chuẩn quốc gia của Hà Nội vẫn xếp hàng chờ công nhận.
"Nợ tiêu chí"
Vì sao việc "công nhận lại" bị ách tắc? Theo đại diện UBND huyện Ba Vì, việc công nhận lại gặp khó khăn vì tài chính eo hẹp. Hầu hết các trường tới thời hạn công nhận lại đều khó …công nhận do cơ sở vật chất xuống cấp. Nhưng kinh phí để đầu tư nâng cấp chưa có.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số trường chuẩn ở Ba Vì (Hà Nội), một trong các lý do dẫn tới việc công nhận lại khó là vì thời gian được công nhận trước đây, các trường được "nợ tiêu chí".
Có nghĩa là có những tiêu chí chưa đạt nhưng trong quá trình hoàn thiện nên được "nợ có thời hạn" để hoàn tất thủ tục công nhận.
Hiện tại một phần phải "trả nợ", một phần những tiêu chí được công nhận rồi đã bị ‘trôi chuẩn" nên càng khó khăn.
Lãnh đạo huyện Ba Vì cũng nêu một thực trạng do phải phấn đấu cho chỉ tiêu đặt ra của thành phố trong việc công nhận mới trường chuẩn quốc gia nên lãnh đạo huyện không biết phải đầu tư trước nâng cấp cơ sở vật chất để "công nhận lại" hay đầu tư để công nhận mới, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn.
Đại diện UBND huyện Thanh Oai, TP Hà Nội cũng thừa nhận nhiều trường học đã được công nhận chuẩn quốc gia, nhưng nếu không được đầu tư nâng cấp thì hiện còn không bằng trường bình thường.
Huyện Mỹ Đức có 13 trường cần công nhận lại, nhưng theo lãnh đạo huyện này thì kinh phí quá lớn. Ví dụ: để hoàn thiện tiêu chí về thiết bị dạy học, một trường ở huyện này cần đầu tư 10 tỷ đồng.
Theo trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì thì có một số trường công nhận trước năm 2008, nếu xét lại vào thời điểm này sẽ rớt chuẩn vì không khắc phục được.
Khá nhiều ý kiến trong ngành giáo dục ở Hà Nội cũng cho rằng lý do các trường "trôi chuẩn" chậm được giải quyết là do áp lực thành tích đạt chuẩn quốc gia đặt ra vượt quá điều kiện tài chính thực tế.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường ở Hà Nội bị "trôi chuẩn" là do sĩ số học sinh vượt quá quy định. Quy định thì sĩ số học sinh không vượt quá 35 học sinh/lớp (với tiểu học) và 45 học sinh/lớp (với THCS), nhưng nhiều trường đã vượt mức nàykhá xa.
Đơn cử như trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hà Bà Trưng), THCS Mai Động, tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai)… sĩ số hiện tại từ 50 học sinh/lớp trở lên.
Một thực trạng đáng chú ý nữa là nhiều trường tới thời hạn công nhận lại đã không chủ động đề nghị cấp trên kiểm tra, vì biết chắc công nhận lại sẽ không đạt, và đã "lờ" đi.
Phòng học xuống cấp và sĩ số học sinh tăng chỉ là hai lý do căn bản, nhưng nếu áp quy định trường chuẩn quốc gia thì còn rất nhiều tiêu chí mà các trường cần công nhận lại bị lung lay như thư viện, phòng học tin học, ngoại ngữ, thiết bị dạy học.
Và điều này cũng dẫn tới một thực trạng nhiều trường đối phó với đoàn kiểm tra bằng cách trưng ra máy móc thiết bị hỏng hóc, không sử dụng được mà chỉ có giá trị phục vụ đoàn kiểm tra.
Học sinh trường tiểu học thị trấn Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) - Ảnh: NINH VŨ
Trường chuẩn nhưng cơ sở xập xệ
Câu chuyện rớt chuẩn đối với các trường học đã được nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia không riêng ở Hà Nội mà đang là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành. Quảng Ngãi có 300 trường đã được công nhận chuẩn quốc gia thì nay có tới trên 100 trường có nguy cơ rớt chuẩn.
Hà Tĩnh năm học 2016-2017 có 489 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp, nhưng so với năm học 2011-2012 đã giảm 57 trường, vì nhiều trường rớt chuẩn.
Huyện Hương Khê là điểm sáng của Hà Tĩnh trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia thì hiện là nơi có tỷ lệ mất chuẩn cao nhất.
Dĩ nhiên, nguyên nhân chính mất chuẩn ở đây là cơ sở vật chất trường học bị ảnh hưởng do bão lụt triền miên nhiều năm. Nhưng cũng có nguyên nhân rớt chuẩn do từng được "nợ chuẩn" giống như tình trạng ở Hà Nội.
Một hiệu trưởng trường mầm non bị mất chuẩn ở huyện này đã thừa nhận lý do trường đạt chuẩn từ năm 2005 nhưng vẫn "nợ" công trình nhà hiệu bộ nên khi xét lại đã không đạt.
Mới đây, trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Hà Tĩnh là trường THCS Long Sơn (Thạch Hà) công bố mất chuẩn khiến nhiều người ngỡ ngàng vì đây là ngôi trường lá cờ đầu, là niềm tự hào của ngành giáo dục Hà Tĩnh.
Trường Long Sơn đạt chuẩn năm 2003, nhưng từ trước đó đã là ngôi trường có chất lượng dạy học tốt, đội ngũ giáo viên có năng lực, uy tín.
Nhưng hơn một thập kỉ, sự xuống cấp và những đòi hỏi mới đảm bảo chất lượng dạy học đã không được bổ sung nâng cấp. Cùng với việc có những phòng học buộc phải đóng cửa vì thiếu an toàn cho học sinh, trường này phải chấp nhận từ bỏ danh hiệu trường chuẩn quốc gia
Ngoại trừ các trường rớt chuẩn do thiên tai bão lũ, có một câu hỏi đặt ra là phải chăng ở nhiều địa phương, việc phải chạy theo số lượng đạt chuẩn mới và quan trọng là dễ dãi khi công nhận chuẩn đã dẫn tới hệ lụy là rớt chuẩn hoặc chỉ có "danh" mà không có "thực"?
Tại Hà Nội, mới đây nhiều người đã ngỡ ngàng khi từ phản ánh của nhiều phụ huynh mới thấy trường tiểu học thị trấn Kim Bài (Thanh Oai) là trường đạt chuẩn và từng được tái công nhận chuẩn nhưng cơ sở vật chất xập xệ.
Đến cái trống duy nhất làm hiệu lệnh báo giờ học cũng thủng. Trường mới khánh thành một khu nhà đa năng nhưng cơ bản các phòng học vẫn cũ kĩ, xuống cấp, mà đây mới là chỗ học sinh ngồi học hàng ngày.
Tỷ lệ công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng
Tốc độ tăng tỷ lệ công nhận đạt chuẩn quốc gia tăng đều tính từ năm 2010 đến 2015.
Năm 2015, cấp THPT có khoảng 29,45%. Cấp THCS là 34,59%, cấp tiểu học là trên 50% trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong khoảng 5 năm, số trường đạt chuẩn quốc gia các cấp trên cả nước tăng khoảng 15-20%.
Theo Bộ GD-ĐT khu vực đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất.
Tính đến năm học 2014-2015, Long An là nơi có trường tiểu học, THCS được công nhận chuẩn quốc gia cao nhất cả nước. Ở bậc THPT, tỷ lệ đạt chuẩn cao nhất ở Hà Nội.
Tuy vậy, Hà Nội có số học sinh/lớp rất cao ở cả ba cấp, trung bình 41 học sinh/lớp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận