Công nhân may tại một xưởng sản xuất ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chiều 14-12, ông Nguyễn Hồng Dân, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, dự báo mặt bằng chung tiền lương năm 2022 tăng nhưng thưởng Tết Nguyên đán của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn có thể giảm.
Lý giải nghịch lý này, vị phó giám đốc sở cho hay lương người lao động tăng 6 - 7% so với năm 2021 do Chính phủ vừa có nghị định tăng lương tối thiểu vùng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc những tháng đầu năm 2022… Tuy vậy, cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng dẫn tới cắt giảm giờ làm, giảm nhân công cùng với quy định các công ty thưởng Tết theo kết quả sản xuất kinh doanh cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
"Các doanh nghiệp có khách hàng truyền thống thì có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2022, đầu năm 2023. Tuy nhiên, thực trạng thiếu đơn hàng ở các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ có thể kéo dài", ông dự báo.
Bên cạnh câu chuyện của doanh nghiệp, qua khảo sát, nhiều khách hàng đưa ra mức giá sụt giảm chỉ bằng 30 - 34%, thậm chí 50% so với mức giá bình thường. Điều này cũng tăng thêm khó khăn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Do đó, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội dự báo tiền thưởng Tết của người lao động sẽ giảm so với năm 2021. Mức giảm sâu nhất thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
"Đây mới chỉ là dự báo dựa trên tình hình hiện nay, thời gian tới, sau khi có số liệu tổng hợp từ các quận, huyện, địa phương, sở sẽ có báo cáo cụ thể tình hình thưởng Tết", ông Nguyễn Hồng Dân nói thêm.
Công nhân tất bật sản xuất tại một công ty may lớn ở Hà Nội - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Tuy vậy, Hà Nội vẫn có "điểm sáng". Chị Nguyễn Thị Chiển - chủ tịch công đoàn Công ty may Maxcore (Hà Nội) - cho biết đơn vị đã có đơn hàng kín trong năm 2023 và tiếp tục tuyển thêm 200 lao động nữa để kịp giao hàng. Chị lý giải do nhiều thanh niên trên địa bàn đổ xô xuống KCN Đồng Văn (Hà Nam) làm ngành điện tử cộng với việc phải học nghề may mất vài tháng dẫn tới thiếu công nhân.
"Ban lãnh đạo công ty chưa công bố mức thưởng Tết 2023 nhưng tình hình sẽ khả quan như năm trước. Mức thưởng từ 150 - 200% lương trung bình năm", vị này cho hay.
Trước đó, tại tọa đàm "Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng - thực trạng và giải pháp", ngày 8-12, bà Hoàng Thị Thu Hồng, phó chủ tịch Công đoàn ngành dệt - may Hà Nội, cho biết có rất ít đơn vị có đơn hàng tới tháng 3 năm sau, chủ yếu hết tháng 12-2022.
"Hiện nay, doanh nghiệp phải tung hết lực nhằm giữ công nhân để khi đơn hàng trở lại không phải đôn đáo đi tuyển dụng. Có bốn công ty đang nợ lương người lao động. Trong đó, một công ty ở Phúc Thọ, chủ doanh nghiệp về nước và để lại 124 lao động bơ vơ bị nợ lương, công đoàn phải quyết liệt vào cuộc mới chốt sổ cho người lao động đi tìm việc mới", bà cho hay.
Để hỗ trợ công nhân khó khăn, bà Hoàng Thị Thu Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp để doanh nghiệp có đơn hàng, người lao động có việc làm để loại bỏ tận gốc vấn đề song song với gói hỗ trợ tạm thời 500.000 - 1 triệu đồng/người.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2021, mức thưởng Tết dương lịch bình quân của công ty TNHH MTV là 900.000 đồng/người; công ty cổ phần là 500.000 đồng/người. Khối doanh nghiệp dân doanh thưởng 670.000 đồng/người, trong khi khối doanh nghiệp FDI là 650.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết âm lịch của công ty TNHH MTV là 3, 2 triệu đồng/người; công ty cổ phần cao hơn ở mức 3,4 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp dân doanh 3,7 triệu đồng/người. Cao nhất là khối doanh nghiệp FDI, bình quân khoảng 4,2 triệu đồng/người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận