01/11/2017 17:54 GMT+7

Vì sao không là 'Hội nghị Thượng đỉnh APEC'?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Dù là một diễn đàn về kinh tế, yếu tố chính trị luôn được coi trọng và chú ý ở tất cả các hoạt động của APEC. Vị thế của Hong Kong và Đài Loan là lý do chính.

Vì sao không là Hội nghị Thượng đỉnh APEC? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) được xếp ngồi cạnh Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh - Ảnh: APEC

Trong số 21 thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) có cả những vùng lãnh thổ, đặc khu như Hong Kong, Đài Loan. 

Đó là lý do vì sao người ta sử dụng cụm từ "nền kinh tế thành viên" thay cho "quốc gia thành viên" để tránh đụng chạm các vấn đề chính trị nhạy cảm.

Về mặt ngữ nghĩa, "Hội nghị thượng đỉnh" thường dùng để chỉ một cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia là thành viên của một tổ chức, diễn đàn cụ thể.

Tuy nhiên, một số đặc trưng của APEC đã buộc người ta phải điều chỉnh, sử dụng cụm từ "Hội nghị các nhà lãnh đạo" để chỉ cuộc họp có sự góp mặt của tất cả các lãnh đạo cao nhất của những nền kinh tế thành viên, ngoại trừ Đài Loan.

Năm 1991, lần lượt Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hong Kong và Đài Loan trở thành thành viên của APEC. Ở thời điểm này, cấp bộ trưởng là cuộc họp cấp cao nhất tại diễn đàn. 

Năm 1993, theo đề xuất của Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton, các cuộc họp thường niên của APEC sẽ có dự tham dự của lãnh đạo cao nhất các nền kinh tế thành viên nhằm thúc đẩy Vòng đàm phán Uruguay đang bị trì trệ.

Với ý tưởng này, các cuộc gặp cấp cao APEC hoàn toàn có thể được gọi là "Hội nghị thượng đỉnh" nếu không có sự hiện diện của Đài Loan và Hong Kong.

Câu hỏi được đặt ra lúc đó là ai sẽ đại diện cho Đài Loan (tham gia APEC với tên gọi Trung Hoa Đài Bắc) bởi sự xuất hiện của người đứng đầu vùng lãnh thổ này trên thực tế có thể chọc giận Trung Quốc. Bắc Kinh, với chính sách Một Trung Quốc, luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Cuối cùng, trong bối cảnh một cuộc tiếp xúc bí mật giữa Trung Quốc và Đài Loan vừa diễn ra (Đồng thuận 1992), câu hỏi hóc búa đã được giải. Theo đó, đại diện của Trung Hoa Đài Bắc tại các cuộc họp cấp cao APEC sẽ là một quan chức tương đương cấp bộ trưởng.

Năm 2001, chính quyền Đài Loan dưới thời ông Trần Thủy Biển quyết tâm thay đổi điều này khi cử một cựu lãnh đạo tương đương vị trí số 2 trong chính quyền dự APEC ở Trung Quốc.

Trước đó, Đại diện thương mại Mỹ Robert Zoellick thậm chí còn cho rằng bản thân ông Trần Thủy Biển hoàn toàn đủ tư cách tham dự cấp cao APEC và sẽ đóng một vai trò "mang tính xây dựng", theo đài CNN của Mỹ.

Chính quyền Bắc Kinh khi đó đã ngay lập tức phản ứng, cho rằng việc chọn đại diện tham dự  APEC của Đài Loan mang động cơ chính trị và từ chối người này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản pháo lại các bình luận của ông Zoellick.

Kết quả cuối cùng, Đài Bắc quyết định tẩy chay cuộc họp cấp cao, triệu các đại biểu về. Đây là trường hợp hiếm hoi duy nhất bỏ họp để tẩy chay trong lịch sử APEC.

Rốt cuộc, mọi việc lại đâu vào đấy, đại diện của Trung Hoa Đài Bắc trong các cuộc họp cấp cao APEC sau đó vẫn là một quan chức tương đương cấp bộ trưởng. Đại diện gần đây của Trung Hoa Đài Bắc tại cấp cao APEC là ông Tống Sở Du, một cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.

Trong khi người đứng đầu Đài Loan không thể tham dự cấp cao APEC, người đứng đầu Hong Kong lại có thể làm điều đó. Kể từ khi vùng đất này được trao trả về Trung Quốc năm 1997, vai trò đại diện cho Hong Kong tại hội nghị các nhà lãnh đạo APEC do Trưởng Đặc khu đảm nhiệm.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên