Phóng to |
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng đo lượng clo dư tại Nhà máy nước ngầm Hóc Môn - Ảnh: P.P.H. |
Tình trạng này cũng diễn ra tại một số khu vực thuộc phường 2, 3, 12..., quận 11.
Ngày 31-8, chúng tôi quay lại đội y tế dự phòng (Trung tâm Y tế quận 11), ông Đoàn Minh Dự - nhân viên đội y tế dự phòng - cho biết nếu kết quả xét nghiệm các mẫu nước không có clo dư, tức nguồn nước cung cấp cho người dân không đảm bảo vô trùng, nguy cơ các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa như coliforms, Escherichia coli... xâm nhập vào nước rất cao.
Theo ông Dự, khi nhận được phản ảnh nguồn nước nhiễm bẩn từ người dân, đội y tế dự phòng cho nhân viên xuống lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo kết quả cũng như kiến nghị lên Trung tâm Y tế dự phòng TP can thiệp nhưng tình trạng nước máy không có clo dư vẫn chưa được cải thiện. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế quận 11 ngày 31-8-2005 cho thấy trong 69 mẫu nước tại nhiều phường của quận 11 được xét nghiệm trong tháng tám có đến 25 mẫu cho kết quả clo âm tính. Không chỉ vậy, nước máy tại nhiều hộ dân có cặn đen, màu nước đục vàng. Chất lượng nước máy chưa đáp ứng được vệ sinh an toàn trong sinh hoạt...
|
Phó tổng giám đốc TCTCNSG Võ Quang Châu thừa nhận nếu không có clo dư sẽ không tiêu diệt được vi sinh xâm nhập trong nước. Sắp tới ngoài xả nước bẩn, TCTCNSG sẽ nghiên cứu bơm clo dư bổ sung vào mạng ở những khu vực không đảm bảo. Tuy nhiên theo một cán bộ am hiểu về lĩnh vực này, việc bơm clo dư vào mạng sẽ rất khó. Ở các nước, người ta thường dùng các bể chứa nước để hòa tan clo dư, sau đó mới bơm vào đường ống. Cách làm này an toàn hơn.
Sáng 31-8, Công ty Khai thác và xử lý nước ngầm TP.HCM phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM tiến hành lấy mẫu nước tại Nhà máy nước ngầm Hóc Môn. Mẫu nước được lấy phân tích đã qua xử lý, chuẩn bị bơm vào đường ống để cung cấp cho người dân sử dụng. Chất clo dư đo được tại đây là 0,7mg/lít, nằm trong qui định của ngành cấp nước. Kết quả phân tích mẫu nước sẽ được công bố trong hai tuần tới. Đây là một trong ba nguồn nước chính (cùng với Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp) cung cấp cho người dân TP sử dụng, công suất khoảng 65.000m3/ngày.
Trong khi đó, thông tin từ Chi nhánh Cấp nước Phú Hòa Tân cho hay trong ngày 31-8 tiếp tục xả nước bẩn tại 72 điểm là trụ cứu hỏa, hầm xả tại các khu vực bị ô nhiễm. Thống kê của chi nhánh cũng cho thấy có hơn 14 phường bị ảnh hưởng gồm phường 2, 4, 5, 6, 7, 13 (Q.Tân Bình), 1, 3, 10, 16 (Q.11), Tân Quý, Hòa Thạnh, Tân Thành (Q.Tân Phú)... với trên 10.000 hộ dân. Đến nay đã có hơn 200 khách hàng phản ảnh đến chi nhánh liên quan đến vụ nước bẩn. Chi nhánh cũng tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và giải quyết cả những ngày lễ.
--------------------------------
* Ông Nguyễn Nam Vinh (chủ nhiệm Văn phòng khiếu nại người tiêu dùng phía Nam): Phải ngừng thu tiền nước bẩn
Phóng to |
Dù các học sinh này đã uống nước từ máy lọc, nhưng nếu nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì vẫn khó tránh được nguy cơ có hại cho sức khỏe - Ảnh: Quang Khải |
Ngoài ra, theo quan hệ mua bán bình thường, người dân đóng tiền để mua một loại nước sạch theo giá và tiêu chuẩn do Nhà nước qui định nhưng cái họ nhận về là một loại nước nhiễm bẩn. Thế thì không có lý do gì buộc họ phải trả tiền cho một loại hàng hóa không đúng cam kết mua-bán ban đầu và không có giá trị sử dụng. Điều này có nghĩa phải ngừng việc thu tiền những hộ dân đang bị buộc phải xài nước bẩn và hoàn lại tiền những kỳ trước kể từ lúc nước bẩn “nối mạng” với nhà họ.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân có thể nộp đơn khiếu nại tại các cơ quan quản lý về y tế (Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng...) và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
* Luật sư Lê Thành Kính (trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn): Công ty Cấp nước vi phạm hợp đồng
Theo qui định về hợp đồng mua bán tài sản được qui định tại mục 1, chương II, Bộ luật dân sự: về bản chất, hợp đồng cung cấp nước cho dân là hợp đồng mua bán tài sản, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao “tài sản” cho bên mua và nhận tiền, bên mua có nghĩa vụ nhận “tài sản” và trả tiền cho bên bán. Đối tượng của hợp đồng mua bán có thể là “vật” và “quyền về tài sản”. Trong trường hợp này, đối tượng của hợp đồng mua bán là “nước sạch”, phải được xác định bằng giá trị sử dụng, chủng loại, số lượng và chất lượng.
Cũng theo điều 437 của Bộ luật dân sự thì “bên bán phải đảm bảo giá trị sử dụng hoặc đặc tính của vật mua bán, nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị sử dụng của vật đã mua hoặc giảm sút giá trị của vật đã mua thì phải báo ngay khi phát hiện khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại, nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng”. Như vậy, trong trường hợp này, khi Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cung cấp nước bẩn cho người dân thay vì nước sạch theo tiêu chuẩn Nhà nước qui định thì rõ ràng tổng công ty đã vi phạm hợp đồng và phải chịu hậu quả pháp lý như điều luật đã nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận