Chó thả rông tại khu vực quảng trường đường 2-9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - Ảnh: Đ.C.
Tuy nhiên, đến nay việc lập đội bắt chó thả rông vẫn khó và việc xử lý tình trạng trên chưa rốt ráo.
Ngán ngẩm với chó thả rông
Hằng ngày, không khó để thấy cảnh chó thả rông tại khu vực quảng trường đường 2-9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Chị T.H. (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: "Tôi cũng là người rất yêu chó, mèo. Nhưng chó không rọ mõm, không xích, thả chạy lông nhông ở đây rất nguy hiểm. Khu vực quảng trường có nhiều trẻ em vui chơi. Lỡ không may bị chó cắn, ai chịu trách nhiệm?".
Tình trạng chó thả rông cũng là nỗi ám ảnh với nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng. Như tại kiệt 316 đường Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng) hằng ngày xuất hiện đàn 5-6 con chó thả rông phóng uế bừa bãi khắp đường.
Người dân tại nhiều khu vực ở Đà Nẵng phản ánh về tình trạng chó thả rông - Ảnh: Đ.C. chụp lại
Trên ứng dụng Cổng góp ý Đà Nẵng (một kênh để người dân và du khách tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề trên địa bàn để các cơ quan nhà nước biết, xử lý), có "danh sách" dài những phản ảnh, than thở của người dân ở nhiều quận, huyện về nạn chó thả rông.
Vào năm 2021, UBND TP Đà Nẵng đã có yêu cầu về việc quản lý chó nuôi và xử lý tình trạng chó thả rông.
UBND TP Đà Nẵng đã giao: UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý chó, mèo, vật nuôi và xử lý nghiêm trách nhiệm chủ vật nuôi vi phạm quy định nuôi chó, mèo; quy định về bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý.
Chỉ đạo UBND các xã/phường căn cứ tình hình thực tế tổ chức thành lập các tổ/đội bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý, hoặc thành lập tổ/đội liên phường/xã để tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi, phòng chống bệnh dại…
Năm 2021, thành phố Đà Nẵng đã giao UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý chó, mèo, vật nuôi - Ảnh: Đ.C.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông cho thành viên của tổ/đội bắt chó thả rông của các địa phương, hướng dẫn cho các địa phương trang bị các vật dụng, công cụ dùng để bắt giữ chó thả rông…
Sở Y tế tổ chức, hướng dẫn cho các thành viên của tổ/đội bắt chó thả rông về điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó cắn. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho các thành viên của tổ/đội bắt chó thả rông.
Khó lập đội bắt chó thả rông
Đề cập đến việc xử lý chó thả rông, lãnh đạo một phường tại Đà Nẵng nói đây là một công việc nan giải. Phường chưa thể lập đội bắt chó thả rông, mà chủ yếu tuyên truyền là chính và đưa vào quy ước tại tổ dân phố, trên tinh thần cam kết, tự nguyện.
Vị này cũng nêu ra hàng loạt cái khó như: Hiện luật không cấm việc chăn nuôi chó, mèo. Đối với việc bắt chó thả rông cần phải có nghiệp vụ, công cụ, nơi nuôi nhốt, người chăm sóc. Nếu không có người đến nhận chó thì sẽ xử lý ra sao? Kinh phí để duy trì đội bắt chó ở đâu? Nếu người trong đội bắt chó bị cắn khi làm việc phải xử lý thế nào?
Tại nhiều khu dân cư, tình trạng chó thả rông gây bức xúc cho người dân - Ảnh: Đ.C.
Tương tự, chủ tịch UBND một phường tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết cũng chưa lập đội bắt chó thả rông. Theo chủ tịch phường này, đội bắt chó thả rông phải có phương tiện, dụng cụ, nghiệp vụ, áo bảo hộ… và nhất là nơi nuôi nhốt chó.
Đã tập huấn cho 120 cán bộ xã, phường
Ông Đặng Ngọc Sơn - chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng) - cho biết hiện đang xây dựng kế hoạch trình thành phố tổ chức ra quân thực hiện, sau khi được các địa phương, sở, ngành góp ý.
Theo ông Sơn, chi cục chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật. Và theo quy định, đơn vị đã tổ chức tập huấn 3 ngày cho 120 cán bộ xã, phường; dạy các kỹ năng, kiến thức về bắt chó thả rông; hướng dẫn các dụng cụ để địa phương trang bị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận