Ngày xửa ngày xưa, con người và vạn vật đều hiểu tiếng của nhau. Không tin, các bạn cứ mở truyện cổ tích VN mà xem, có chuyện con trâu bị bỏ đói, bực mình mách với chủ về chú mục đồng ham chơi là “no gì mà no, trong mo ngoài đất sét”.
Bị chủ đánh đòn về tội không cho trâu ăn, đã vậy còn gian dối đắp mo cau với đất sét cho bụng trâu phình to như đã ăn no, nên chú mục đồng bực mình lấy nhang đang cháy đỏ châm vào cổ trâu. Kết quả là trâu mất tiếng, chẳng còn nói được.
Học tập theo gương chú mục đồng, thiên hạ rần rần lấy nhang châm vào mọi vật. Như con lợn, có cái tội là khi chủ nhà khai với quan thanh tra rằng mình giàu nhờ nuôi lợn thì nó cười khành khạch bảo: “Xạo, xạo, nuôi tui chỉ từ hòa tới lỗ, làm sao giàu thế được”! Bực mình, ông chủ bèn lấy nhang châm vào cổ lợn, khiến loài vật này chỉ còn kêu eng éc.
Thậm chí, đến cây cỏ ngày xưa cũng nói được tiếng người, kể cả lúc chúng chỉ còn là một cây gỗ. Vì vậy, thật rách việc khi có mấy ông cứ chối đây đẩy về chuyện xây lâu đài trái phép, nhưng khi quan thanh tra hỏi thì mấy cây gỗ quý cứ kể vanh vách nhà của ai, cây gỗ quý ai tặng... Và kết cục thì cây cối cũng như trâu, lợn.
Từ lúc mọi vật bị châm nhang khiến tắt tiếng, triều đình cũng hết sức vất vả trong việc chống tham nhũng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận