Làm đường cao tốc nhưng thiếu trạm dừng nghỉ cho người dân. Từ chuyện này phát sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười: tài xế, hành khách phải "trút bầu tâm sự" bên lề đường.
Có trường hợp như ở cao tốc miền Tây, người dân chịu không nổi mùi hôi thối phải gắn camera báo động để đuổi người đi vệ sinh cạnh nhà mình. Còn ở một số tuyến cao tốc tại miền Trung, tài xế phải chạy vòng vòng mới kiếm ra lề đường phù hợp cho khách đi vệ sinh...
Mới đây, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền khẩn trương đầu tư hoàn thiện các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát, điều hành giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ khi các dự án cao tốc đưa vào khai thác.
Bạn đọc Nguyễn Vũ Mộc Thiêng, người từng dắt nhiều đoàn khách du lịch và chứng kiến những chuyện này trên tuyến đường cao tốc, đã gửi cho Tuổi Trẻ Online tấm ảnh xếp hàng rồng rắn đi vệ sinh ở trạm dừng tạm cao tốc Phan Thiết - Cam Lâm sáng 27-6 và những chia sẻ của ông.
Xếp hàng rồng rắn để "trút bầu tâm sự" trên cao tốc
Hơn một năm nay, dư luận bức xúc, dân du lịch khổ sở vì cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Cam Lâm không có trạm dừng.
Và vì không có nhà vệ sinh, dân xe tải có thể tấp xe vào đường tránh và quay lưng "xả nước". Riêng dân du lịch thì đành chịu. Vì vậy hướng dẫn viên luôn nhắc nhở và kêu gọi khách "tiết kiệm đầu vào" và "hạn chế đầu ra".
Để kịp thời sửa sai, ngành giao thông đã khẩn trương phê duyệt 2 trạm dừng chuẩn quốc gia, thi công trong vòng 15 tháng.
Trong lúc chờ trạm dừng chính thức hoạt động, ngành này cũng đã cho làm trạm dừng tạm. Tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ.
Sáng 27-6, chứng kiến nhiều người xếp hàng rồng rắn chờ "trút bầu tâm sự" tại một trạm dừng tạm, dân làm du lịch như chúng tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán!
Và đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng dở khóc dở cười này.
Khi khách nữ "giành" nhà vệ sinh với nam
Như trên đã đề cập, do chỉ là trạm dừng tạm nên diện tích trạm này quá nhỏ, lúc nào cũng chật cứng, không đáp ứng nhu cầu của du khách.
Không thể chờ lâu, cánh đàn ông bí quá ra ngoài xả đại. Riêng chị em phụ nữ đành chịu, cứ xếp hàng rồng rắn như mua nhu yếu phẩm thời bao cấp. Nhiều chị bức bách quá, tràn qua khu vệ sinh nam, giành buồng để "trút bầu tâm sự".
Đi nhiều nơi, tôi chưa từng thấy trường hợp nào như vậy. Để giải quyết nhu cầu "không thể nhịn được" của du khách, thiết nghĩ ở các cao tốc Việt Nam cũng có thể làm bồn tiểu nam như các trạm dừng ở các nước.
Với nam giới, không cần buồng riêng, chỉ cần mái che nắng là đủ. Tuy nhiên dù gì thì gì cũng phải ưu tiên làm các buồng riêng cho phụ nữ, chứ không thể để phái nữ không còn cách nào khác phải "giành" nhà vệ sinh của nam, nhìn rất kỳ.
Ngoài ra cũng có thể triển khai làm các xe vệ sinh công cộng ở các trạm dừng tạm. Có bán hàng lưu động, bán các loại thức uống, đồ ăn nhẹ.
Làm được điều này vừa tạo thêm công ăn việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người đi đường, trong khi chờ trạm dừng chính khai trương.
Để đạt được vị trí một trong những quốc gia đứng đầu về du lịch, người Nhật tổng kết: nhà vệ sinh là một trong bốn nhân tố quyết định sự chọn lựa của du khách đến xứ sở mặt trời mọc. Ba yếu tố còn lại là: cảnh quan; ẩm thực; tinh thần hiếu khách, phục vụ chu đáo khách du lịch.
Riêng ở Việt Nam thành thật mà nói những mặt khác ta không thua kém người Nhật bao nhiêu, nhưng nhà vệ sinh du lịch không chỉ Nhật mà ta còn thua xa một số nước trong khu vực.
Thời gian qua dù có rất nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng nhà vệ sinh Việt Nam vẫn là rào cản, tạo tâm lý ngán ngại du lịch nội địa và khách nước ngoài vào Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận