Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: L.TH.H.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, phó chủ tịch Hội Dược học VN kiêm chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề thuốc giả đe dọa sức khỏe người bệnh.
* Theo bà, tỉ lệ thuốc giả hiện có quá thấp như số liệu được công bố, chẳng hạn tỉ lệ này trong năm 2016 chỉ là... 0,03%?
- Theo tôi, tỉ lệ thuốc giả được công bố không thể phản ánh được toàn bộ thị trường dược phẩm của VN do tỉ lệ lấy mẫu kiểm nghiệm không bao quát được hết. Ngoài ra, năng lực của hệ thống kiểm nghiệm chưa đủ mạnh nên có những thuốc giả chưa được phát hiện, chưa kể thuốc giả "mười mươi" nhưng vẫn cho là thuốc kém chất lượng để bớt trách nhiệm.
Như vậy, vấn đề là cơ quan quản lý có thừa nhận thực tế thuốc giả vẫn tồn tại và đã giải quyết được tới đâu hay chỉ hài lòng với những báo cáo đẹp, như tỉ lệ thuốc giả phát hiện được càng lúc càng giảm.
* Phải chăng việc phát hiện thuốc giả rất khó, do chủ yếu bằng "mắt thường"?
- Tôi khẳng định phát hiện không khó. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, chỉ cần lên mạng kiểm tra tên công ty, ở quốc gia đó có thật hay không, không cần phải "mắt thần" gì cả. Khi xét hồ sơ đăng ký thuốc đối với một công ty dược lạ hoắc, phải xem hồ sơ cẩn trọng và kiểm tra kỹ lưỡng.
Mọi sản phẩm thuốc được sản xuất từ các quốc gia phát triển đều có mã vạch. Dựa vào mã vạch đó có thể xác minh, truy xuất được nguồn gốc của công ty và trả lời được câu hỏi thuốc thật hay giả.
* Giải pháp nào để ngăn chặn thuốc giả một cách hiệu quả?
- Theo tôi, cơ quan quản lý phải xem lại quy trình cấp số đăng ký lưu hành thuốc hiện nay, trong đó phải công khai, minh bạch quy trình cấp số đăng ký thuốc lên mạng. Khi đó, việc chạy chọt, "chuyện này, chuyện kia" sẽ không còn đất sống. Đặc biệt, công khai quy trình này thì nhiều người cùng giám sát và phát hiện thuốc giả.
Chẳng hạn, nếu đưa lên mạng hồ sơ xét đăng ký có thuốc giả lẫn trong đó như thuốc H-Capita của VN Pharma, một người Canada nào đó xem được và cho biết "thuốc này đâu có ở Canada", sự việc sẽ được phát hiện sớm.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký thuốc và cuối cùng là cần xem xét lại liệu thị trường dược phẩm có cần đến quá nhiều mặt hàng thuốc cùng một hoạt chất hay không. Có nên hạn chế và kiểm soát chất lượng thuốc bằng hàng rào kỹ thuật? Cuối cùng là trách nhiệm thực hiện giám sát của đội ngũ.
Một năm, phát hiện hơn 750 mẫu thuốc và dược liệu giả, nhầm lẫn
Năm 2016, khi kiểm nghiệm 38.256 mẫu (gồm hơn 29.000 mẫu tân dược, hơn 4.600 mẫu đông dược và gần 3.000 mẫu dược liệu...), cơ quan chức năng đã phát hiện 759 mẫu (chiếm 1,98%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giả và nhầm lẫn, trong đó có 249 mẫu tân dược, 43 mẫu đông dược, 398 mẫu dược liệu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận