Nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 14-4, đại diện Iran giải thích Tehran đã thực hiện "quyền tự vệ vốn có" của mình khi triển khai cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Israel cuối tuần qua, theo Hãng tin AFP.
Đại diện Iran cho biết nước này "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc đáp trả. Ông nói thêm Iran "không tìm kiếm căng thẳng leo thang hay chiến tranh", nhưng sẽ đáp trả bất kỳ "mối đe dọa hoặc hành vi gây hấn nào".
Dựa trên điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Iran khẳng định nước này chỉ thực hiện “quyền tự vệ vốn có" trong trường hợp bị tấn công vũ trang.
Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế lên án
Tuy nhiên, hành động trả đũa của Iran ngày 14-4 lại bị chính Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia phương Tây lên án.
Ngày 14-4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở những hành động trả đũa có sử dụng vũ lực đều bị cấm theo luật pháp quốc tế.
“Tôi nhắc nhở tất cả các quốc gia thành viên rằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào hoặc theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với mục đích của Liên Hiệp Quốc”, ông Guterres phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 14-4.
Phát biểu trên tương đồng với điều 2(4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hiệp Quốc”.
Đồng thời, ông Guterres cũng lên án cuộc tấn công của Iran vào Israel, và cảnh báo không leo thang căng thẳng thêm nữa.
Tự vệ hay tấn công sử dụng vũ lực?
Tuy nhiên, điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc là một trong hai trường hợp ngoại lệ đặc biệt của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực (điều 2(4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc).
Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là nguyên tắc có tầm quan trọng bậc nhất trong tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Trường hợp ngoại lệ còn lại là các quốc gia có thể sử dụng vũ lực nếu Hội đồng Bảo an trao cho theo thẩm quyền của cơ quan này, căn cứ vào quy định tại điều 39 và điều 42 Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nguyên tắc này được áp dụng trong một số trường hợp nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới.
Hai ngoại lệ này được chấp nhận rộng rãi và không một quốc gia nào phủ nhận hay phản bác chúng.
Chính vì vậy, để xác định cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào lãnh thổ Israel là hành động tự vệ hay hành vi tấn công sử dụng vũ lực, cần xác định xem quốc gia này có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí căn cứ theo điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc hay không.
Cụ thể, quyền tự vệ của các quốc gia được thừa nhận tại điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc như sau: “Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên Hiệp Quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an chưa áp dụng được các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
Điều 51 cũng quy định “Những biện pháp mà các thành viên Liên Hiệp Quốc áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng Bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an, chiếu theo Hiến chương này, đối với việc Hội đồng Bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà hội đồng thấy cần thiết để duy trì và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.
Thứ nhất, một quốc gia được sử dụng quyền tự vệ trong trường hợp có một cuộc tấn công vũ trang nhắm đến quốc gia đó.
Vào ngày 1-4, tòa Lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công được cho là bằng tên lửa của Israel.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, vụ đánh bom của Israel vào Đại sứ quán Iran ở Damascus đồng nghĩa với một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lãnh thổ Iran.
Thứ hai, Hội đồng Bảo an chưa áp dụng được các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Sau vụ tấn công ngày 1-4 vào tòa Lãnh sự quán Iran của Israel, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông Guterres lên án cuộc tấn công và kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và tránh leo thang hơn nữa. Điều đó có thể dẫn đến xung đột rộng hơn ở một khu vực vốn đã bất ổn”.
Có thể thấy Hội đồng Bảo an chưa thật sự áp dụng biện pháp nào cụ thể bằng hành động để duy trì hòa bình và an ninh khu vực trong thời điểm đó.
Đại diện thường trực Iran tại Liên Hiệp Quốc Amir Saeid Iravani hôm 14-4 cho biết: “Hội đồng Bảo an đã thất bại trong nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” sau cuộc tấn công rõ ràng của Israel vào Lãnh sự quán Iran ở Syria ngày 1-4.
Thứ ba, những biện pháp được áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng Bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an.
Hành động trả đũa của Iran nhằm vào Israel ngày 14-4 không thông qua ý kiến của Hội đồng Bảo an và đặt tổ chức này vào tình thế bị động trong bối cảnh xung đột Iran-Israel leo thang, đe dọa an ninh toàn cầu, đồng thời liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng Bảo an trong việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới.
Tóm lại, Iran đáp ứng được hai điều kiện đầu tiên của điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong trường hợp sử dụng “quyền tự vệ vốn có” để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên ở góc độ khác, cuộc tấn công của Iran có thể châm ngòi cho những xung đột nghiêm trọng hơn có nguy cơ xảy ra ở khu vực Trung Đông.
Đây là lý do mà Liên Hiệp Quốc và các quốc gia trên thế giới bày tỏ quan ngại trước các diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay ở Trung Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt ngay hành động vũ lực sau vụ Iran tấn công Israel ngày 14-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận