Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (người đeo kính) cùng đồng đội bắt một đối tượng trộm xe máy. Ảnh: B.S
Ngày 14-10, đại diện UBND phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết: đã chấp thuận đơn xin nghỉ làm thành viên "CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa" của "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải.
Trước đó, "hiệp sĩ" Hải đã đăng một đoạn video trên Facebook cá nhân về việc xin nghỉ tại phường Phú Hòa. Lý do theo ông Hải là phường bắt ông phải báo cáo, kiểm điểm do trong quá trình theo dõi để bắt quả tang một đối tượng trộm xe của người dân đã đi ra khỏi địa bàn phường mà không báo cáo.
"Chúng tôi theo dõi, truy bắt tội phạm quả tang như trộm, cướp…đi ra khỏi địa bàn phường thì chúng tôi cũng phải bám theo, làm sao mà kịp báo cáo. Nếu báo cáo thì trộm, cướp nó đã bỏ đi mất" - "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải phân trần.
Quy chế: hoạt động "hiệp sĩ" gắn với công an
Mô hình "hiệp sĩ" được khởi nguồn từ Bình Dương - một địa phương có tình hình an ninh trật tự khá phức tạp.
Sau nhiều năm phát triển phong trào "hiệp sĩ", năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định 34 nhằm tạo "hành lang" cho hoạt động của "hiệp sĩ".
Các “hiệp sĩ” bắt cướp trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: FB Đội SBC TP.HCM
Theo quyết định này, "hiệp sĩ" chính là thành viên đội xung kích phòng chống tội phạm hoạt động tại các phường, hoạt động gắn chặt với vai trò của "đội trưởng" là trưởng công an cấp xã, phường.
Việc quy định gắn hoạt động của "hiệp sĩ" với trách nhiệm của công an để vừa phát huy được vai trò của "hiệp sĩ" trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng vừa để quản lý hoạt động của "hiệp sĩ" đúng chừng mực, tránh lạm quyền, tránh vi phạm pháp luật. Công an phường phải vừa phối hợp, hướng dẫn "hiệp sĩ", nhưng cũng phải quản lý, chấn chỉnh kịp thời nếu có những biểu hiện không đúng quy định.
Quy định hiện hành của tỉnh Bình Dương cũng chỉ giới hạn "hiệp sĩ" được hỗ trợ bắt các tội phạm truy nã, tội phạm quả tang. "Hiệp sĩ" chỉ bắt tội phạm quả tang, truy nã trong địa bàn phường mình sinh hoạt. Trong trường hợp thấy có tội phạm quả tang, tội phạm bị truy nã mà đi sang địa bàn phường khác thì "hiệp sĩ" phải thông báo ngay cho ban chủ nhiệm CLB nơi mình sinh hoạt để báo cho công an và lực lượng chức năng phường sở tại phối hợp, bắt giữ tội phạm.
Công an tỉnh Bình Dương khen thưởng “hiệp sĩ” Hải (người đứng giữa). Ảnh: B.S
Giúp bắt tội phạm
Tại Bình Dương hàng năm, mỗi CLB phòng chống tội phạm cấp xã, phường được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng để trang bị sách báo pháp luật, hỗ trợ xăng, thăm bệnh...cho các hội viên. Toàn tỉnh hiện có 84/91 xã, phường thành lập được đội xung kích chống tội phạm, với hơn 1.500 đội viên. Trong năm 2017, "hiệp sĩ" tại Bình Dương đã phối hợp, hỗ trợ công an phát hiện 323 vụ, bắt giữ 576 đối tượng các loại.
"Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải là một trong những "hiệp sĩ" nổi tiếng tại Bình Dương, là đội trưởng đội xung kích phòng chống tội phạm trong CLB phường Phú Hòa.
Anh Hải là người xông xáo, không ngại huy hiểm, từng giúp phá rất nhiều vụ án. Trong khi nhiều "hiệp sĩ" khác tại Bình Dương đã giải nghệ thì tới nay "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải vẫn hoạt động khá hiệu quả sau khoảng 20 năm gắn bó với phong trào này.
Tuy xin nghỉ thành viên CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, nhưng "hiệp sĩ" Hải cho biết vẫn sẽ vẫn tiếp tục bắt giữ tội phạm quả tang, hỗ trợ người dân khi được nhờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận