Chương trình Sao nối ngôi 2016 - một game show thuần Việt có khán giả - Ảnh tư liệu |
Game show thuần Việt : Học hỏi cũng phải khéo léo
Dẫu có những háo hức, tự tin nhưng nhìn chung game show thuần Việt hiện nay theo xu hướng tập trung ở hai lĩnh vực chính là thi hát và hài.
Và nếu xem các chương trình này sẽ thấy các nhà sản xuất chủ yếu khai thác tài nghệ tung hứng giữa các nghệ sĩ, còn nội dung vẫn ít nhiều pha trộn chương trình này với chương trình kia.
Ngay như sự thành công của Sao nối ngôi cũng nhờ vào tài năng diễn xuất của nghệ sĩ và mối quan hệ mẫu tử của các nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều khán giả quan tâm.
Nhưng liệu giới showbiz có nhiều gia đình nghệ sĩ nổi tiếng để nhà sản xuất khai thác?
Và theo ý kiến của một số người trong nghề, nhược điểm lớn nhất của game show Việt là êkip viết format thường cảm tính, không đo lường được thị hiếu và nhu cầu khán giả như các game show của nước ngoài. Vì thế game show Việt được ví von như ngôi nhà xây lên từ trí tưởng tượng, rất khó bền để đi tiếp những mùa sau.
Anh T.K.L. - quản lý ca sĩ T. - nói:
“Các format Việt nhìn chung xem khá dễ chịu vì khai thác được những nét gần gũi, thân thương nhất của văn hóa Việt.
Lỗi mắc phải nhiều nhất của các sô thuần Việt là lủng củng, luật chơi hay thay đổi bất ngờ (do làm đến đâu chỉnh format đến đó) khiến cả người chơi lẫn người xem... choáng váng. Khán giả ngày nay rất sành, xem qua là biết ngay “sáng tạo” này học theo format quốc tế nào.
Nhưng các nhà sản xuất cứ yên tâm là khán giả sẽ không khó chịu hay quay lưng nếu việc “học hỏi” đó được thực hiện khéo léo và tinh tế.
Ở The voice - Giọng hát Việt, các huấn luyện viên quay lưng nghe thí sinh hát, thấy hợp tai mới bấm nút xoay ghế để chọn về đội mình.
Còn ở Tuyệt đỉnh song ca, thí sinh quay lưng về phía các huấn luyện viên và hát, nếu thấy ưng, các huấn luyện viên sẽ bấm nút để thí sinh quay mặt lại với mình.
“Sáng tạo” từ chuyện quay lưng này nghĩ thì đơn giản, nhưng làm thì như... đang giỡn. Bởi hầu hết thí sinh khi quay lưng về phía huấn luyện viên và hát, họ không biết ai sẽ chọn mình và không thể lường trước được khi nào các vị HLV sẽ bấm nút.
Trong rất nhiều đoạn cao trào, thí sinh đang thả hồn vào ca khúc thì HLV bấm nút, sân khấu chuyển động quay cũng là lúc thí sinh... giật mình quên luôn bài hát! Học hỏi hay sáng tạo này với riêng tôi là chưa tinh tế”.
[Top 10 chương trình thể loại game show/cuộc thi có rating cao nhất tháng 4-2016 - Nguồn: Vietnam TAM - Đồ họa: TẤN ĐẠT] |
Hát và hài vẫn thắng
Vì sao hài nhảm ngày càng “chiếm sóng truyền hình”? Câu trả lời rất đơn giản là format đơn giản, đầu tư sản xuất chi phí vừa phải, dễ có rating và thu được quảng cáo.
Thêm một điều nữa mà chỉ có nhà đài và công ty quảng cáo “ngầm biết” là duyệt nội dung dễ hơn so với các chương trình giải trí khác như phim truyện, ký sự...
Không phải ngẫu nhiên những chương trình hài lại được các đài ưu ái chiếu dày đặc như vậy. Theo số liệu gần nhất từ công ty đo lường chỉ số khán giả (bao gồm cả Kantar Media VN và Vietnam TAM), hầu hết các chương trình có rating cao hiện nay đều rơi vào giải trí hài và ca hát.
Cụ thể nhìn biểu đồ được Vietnam TAM đo lường trong phạm vi toàn quốc (gồm bốn thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) trong tháng 4-2016, đứng đầu là chương trình Người bí ẩn, Thần tượng bolero và Gương mặt thân quen...
Điều này chứng tỏ những chương trình giải trí, có sự tham gia của các ngôi sao hài... dễ dàng đạt được rating an toàn, có số lượng quảng cáo để bù đắp chi phí sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Kantar Media VN, top 10 chương trình rating cao nhất tại Hà Nội, đo từ ngày 1-4 đến 15-5 chỉ có duy nhất phim truyện là Những ngọn nến trong đêm, chín chương trình còn lại toàn là game show.
Theo thứ tự rating từ cao đến thấp là Gương mặt thân quen, Tìm kiếm tài năng VN, Thần tượng bolero, Nhân tố bí ẩn, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ, Người đi xuyên tường, Song đấu, Ai là triệu phú.
Theo số liệu thống kê của Kantar Media VN, top 10 chương trình rating cao nhất ở TP.HCM đo từ ngày 1-4 đến 15-5 tuy có một số phim và chương trình khác chen vào, nhưng game show giải trí cũng chiếm khoảng 60%.
Tuy nhiên, dù vẫn còn ăn khách nhưng một số chương trình đã giảm độ nóng đáng kể. Ví dụ như Gương mặt thân quen mùa đầu tiên phát sóng trên VTV3 có rating cao ngất (trên 10%), đến mùa thứ 4 đã giảm chỉ còn khoảng 5%.
*Xem lại loạt bài Chi triệu đô mua game show:
- Bài 1: “No nhưng chẳng bổ béo gì!”
- Bài 2: Chán Trấn Thành có Ngọc Trinh, chán Hoài Linh có Vân Sơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận