Mặt quốc lộ 1 bị biến dạng, lồi lõm rất nguy hiểm - Ảnh: Mậu Trường |
Hơn hai tháng sau khi khánh thành vào ngày 31-1, tuyến quốc lộ 1 dài 315km đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh được đầu tư 5.500 tỉ đồng đã xuất hiện nhiều đoạn sụt lún và bong tróc.
Nhiều lần bất tín, vạn lần bất tin
Tương tự, tuyến đường liên phường xã dài hơn 2km thuộc thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được đầu tư gần 40 tỉ đồng để nâng cấp sửa chữa. Tuy nhiên giữa tháng 5-2015, khi chưa đưa vào sử dụng, tuyến đường đã xuất hiện nhiều hư hỏng.
Được đầu tư gần 340 tỉ đồng nhưng chỉ hơn một năm sau khánh thành, tuyến đường tránh TP Vinh (Nghệ An) đã xuất hiện nhiều điểm lún nghiêm trọng, có nơi lún sâu gần 10cm.
Cuối tháng 5-2015, đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2, TP.HCM) nổi tiếng bởi mức đầu tư nghìn tỉ đồng có tính mỹ quan cao tiếp tục sụt lún sau nhiều lần sửa chữa, gây tai nạn cho các phương tiện lưu thông.
Chia sẻ với bức xúc của nhiều người, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng dù công nghệ, kỹ thuật có tốt đến đâu nhưng người điều hành, quản lý, giám sát công trình làm việc không tốt cũng sẽ không mang lại hiệu quả.
Ông Thái chỉ ra hai yếu tố quan trọng của nhân tố con người ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng là trách nhiệm và trình độ.
Ở các nước, quy trình xây dựng công trình giao thông rất chặt chẽ. Cùng với đó, đội ngũ thực hiện có trách nhiệm, lấy uy tín đặt lên hàng đầu.
Ở VN, chúng ta chỉ giỏi cam kết nhưng khi triển khai thì trục trặc, có vấn đề. Cái tâm và trách nhiệm chưa được những người tham gia thiết kế, xây dựng công trình quan tâm. Họ có thể vì lợi ích nhỏ mà hi sinh lợi ích lớn, lấy lợi ích cá nhân đặt lên trên tất cả.
Vì vậy, có thể họ làm ra được công trình nhưng không đảm bảo được chất lượng.
Người lái xe gặp khó khăn khi đi qua đoạn đường lún - Ảnh: Doãn Hòa |
Cơ chế kiểm tra, giám sát lỏng lẻo
Một chuyên gia trong lĩnh vực giám sát chất lượng công trình giao thông thuộc Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng VN (Tổng hội Xây dựng VN) nhấn mạnh: Chúng ta chưa xây dựng được đội ngũ nhân lực chuyên môn hóa cũng như chưa có những đơn vị thi công, giám sát, thiết kế chuyên nghiệp... lấy uy tín làm ưu thế hoạt động.
PGS.TS Hồng Thái cho biết chất lượng một công trình phụ thuộc cả quá trình từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát và nghiệm thu.
Riêng việc kiểm tra, giám sát, ông Thái so sánh tương tự như hệ thống pháp luật VN, hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng của nước ta khá đầy đủ với những quy trình rõ ràng và ngày càng hoàn thiện nhưng việc thực hiện lại không hiệu quả và chưa đi vào cuộc sống.
“Trong tất cả các khâu thì vướng mắc nhiều nhất là kiểm tra giám sát” - ông Thái nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia giám sát chất lượng công trình, nhiều công trình giao thông sử dụng kỹ thuật nước ngoài hoặc được nhà thầu nước ngoài xây dựng xuất hiện các hư hỏng, dù thực tế công nghệ hay nhà thầu ấy từng rất thành công ở nước ngoài. Nguyên nhân là do phần lớn chúng chưa được nghiên cứu để “Việt hóa” phù hợp với điều kiện thực tế ở VN.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giảng viên khoa Xây dựng (ĐH Bách khoa TP.HCM) phân tích nguyên nhân đường sụt lún là do nền đất yếu, đất trũng nhưng khi thi công làm không kĩ, độ cố kết không chặt. Nền đất yếu quá dày mà nền hạ làm gian dối nên cứ bị sụt lún hoài như trường hợp đường Mai Chí Thọ.
Ở đường Hồ Chí Minh, ta không sợ sụt lún vì được thi công trên nền đất tốt là đất gò, đất cao nguyên. Vấn đề đáng lo ở tuyến đường này là việc sạt lỡ đất hai bên đường từ những gò đồi cao khi trời mưa vì hiện nay không có những tấm lưới, tấm bê-tông neo sâu vào mà chỉ là những tấm bê-tông nằm ở hai bên đường, bên dưới gò dồi. Khi trời mưa, cung trượt sẽ đẩy đất trên đồi xuống, rất có thể sẽ vùi lấp xe cộ đi ngang qua.
Kĩ thuật xây dựng công trình giao thông của VN hiện nay không hề thua kém bất kì nước nào. Chỉ trong trường hợp xây dựng những cầu lớn như cầu Cần Thơ thì cần có sự tư vấn của các đơn vị xây dựng lão làng nước ngoài, còn những công trình như cầu Rạch Miễu ta vẫn làm được.
Vấn đề của ta là lỗi ở con người và quản lý nhà nước.
Ngay từ khi khởi công công trình, ta đã có khâu giám sát nhưng khi xử lý sai phạm thì lại không nghiêm, còn nương tay, bao che cho “đàn em”, cấu kết vì lợi ích nhóm.
Cứ quy định xử lý thật nặng như nghiêm cấm hành nghề thậm chí bỏ tù thì không ai dám làm gian dối nữa.
Khi có hư hỏng thì lại sửa, chúng ta cứ sai đâu sửa đó mà không xử lý sai phạm, sửa hoài đâm ra chán đơn vị cũ, ta lại đành trả đủ tiền để thuê đơn vị khác vào sửa tiếp.
Vì vậy, người dân mất lòng tin, nghi kị vào những công trình của nhà nước đầu tư xây dựng và việc xử lý không nghiêm khiến người ta “lờn”.
Nâng cao chất lượng bằng “2 túi hồ sơ” PGS.TS Nguyễn Hồng Thái khẳng định chất lượng công trình tất yếu phụ thuộc vào giá của công trình. Một thời gian dài chúng ta đã sử dụng cơ chế bỏ thầu giá thấp để lại nhiều hệ lụy khi cơ chế giám sát còn chưa hoàn thiện và nhà thầu thì luôn quan tâm đến lợi nhuận của họ. Vì vậy, với mức giá thầu thấp, để có lợi nhuận, nhà thầu sẽ làm chất lượng giảm đi. Tuy nhiên, theo Luật đấu thầu năm 2013, không bắt buộc lấy giá thấp nhất làm tiêu chí ưu tiên. Phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ: hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được đánh giá trước, nếu nhà thầu đáp ứng thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính để cùng so sánh. Điều này hạn chế việc nhà thầu bỏ thi công hoặc thi công ẩu nhằm thu lợi nhuận. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Chị Vân Anh
>> Anh Minh Khoa
>> PGS.TS Nguyễn Hồng Thái
>> PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận