TTCT - Thiếu vắng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các chiến lược quảng bá, tiếp thị và thu hút du khách, thiếu vắng sản phẩm "đinh" chính là thiếu đi hai điều kiện căn bản nhất để du lịch cộng đồng thành công. Cổng làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình)Khái niệm du lịch dựa vào cộng đồng (Community Based Tourism - CBT) có lẽ bắt nguồn từ những năm 1960 - 1970 khi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các cơ quan viện trợ khác bắt tay vào các dự án phát triển cộng đồng quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển. Đấy cũng là thời kỳ trỗi dậy của phương thức quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, trên niềm tin rằng sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương rất quan trọng để bảo tồn môi trường ở các nước đang phát triển. Các thành viên cộng đồng sẽ quản lý môi trường tốt hơn bằng cách tự kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh và thu được lợi nhuận thông qua việc bảo tồn các tài nguyên đó.Nhưng phải đến những năm 1980, khi những tác động tiêu cực của du lịch ngày càng lộ rõ, ngành du lịch mới bắt đầu cầu viện sự tham gia của cộng đồng. Peter E. Murphy - một trong những người tiên phong của CBT - trong công trình nghiên cứu sâu sắc và gây ảnh hưởng lớn của ông năm 1985 đã coi du lịch là "một ngành công nghiệp cộng đồng", kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định và lập kế hoạch.Tuy CBT vẫn "có nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau" song hầu hết đều đồng ý rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương là ý tưởng trọng tâm của CBT. Sau đó, định nghĩa này được diễn đạt chi tiết hơn nhằm nâng cao mức độ quản lý, làm chủ, kiểm soát của cộng đồng đối với hoạt động du lịch địa phương, bao gồm cả các chương trình do cộng đồng sở hữu hoàn toàn, các sáng kiến do hợp tác xã hoặc hiệp hội cộng đồng quản lý, doanh nghiệp do các cá nhân trong cộng đồng điều hành và doanh nghiệp được chia sẻ với người ngoài.Trên mảnh đất Việt Nam, CBT ra sao?Du lịch cộng đồng đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 3 thập kỷ qua và khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững, bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.2015-2020 là quãng thời gian hoạt động du lịch cộng đồng phát triển sôi động. Đến năm 2020, cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. (Vietnamplus 18-12-2020). Nhìn chung, cách hiểu CBT với tinh thần "Người dân làm chủ, người dân tham gia và người dân hưởng lợi" trở thành phổ quát.Nhận dạng du lịch cộng đồng dễ nhất là qua hình thức homestay (người dân địa phương chia sẻ nơi ở của họ với du khách, du khách trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của chủ nhà cũng như cộng đồng xung quanh trong thời gian lưu trú). Làng du lịch văn hóa cộng đồng Mông ở chân đèo Mã Pí Lèng. Nhờ địa thế và phong cảnh đẹp, nơi này khá đông khách, nhưng là khu lưu trú riêng, không phải làng du lịch văn hóa cộng đồng đúng nghĩa bởi nó tách rời khỏi đời sống của người dân bản xứ. Ảnh: Huy ThọTuy thế, tại Việt Nam, cách ứng dụng mô hình homestay có khác so với homestay ở phương Tây. Rất nhiều mô hình homestay ở Việt Nam là nhà xây mới và chỉ dành cho khách du lịch, khách không chia sẻ không gian sinh sống của chủ nhà. Và vì thế, gọi cho đúng bản chất, đấy là những "cơ sở lưu trú" quy mô nhỏ chứ không hẳn là homestay. Các mô hình CBT tại Việt Nam thường hoạt động rất năng nổ trong thời gian đầu có dự án tài trợ nhưng mai một dần theo thời gian và trở nên kém hiệu quả. Hầu hết các mô hình này theo hình thức xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, thành lập hợp tác xã để quản lý - vận hành hệ thống hoặc lập tổ du lịch cộng đồng tự làm và tự hưởng lợi.Các công ty du lịch dựa vào những sản phẩm du lịch cộng đồng này để xây dựng gói tour bán cho khách. Các sản phẩm du lịch này thường có chung những đặc điểm như tái hiện văn hóa, truyền thống của người dân, tổ chức văn nghệ dân gian hay các mô hình phong tục của địa phương, làm homestay và các hoạt động khác xoay quanh ngôi làng. Điều này không tạo được điểm nhấn độc đáo riêng của từng nơi khiến du khách cảm thấy đáng bỏ tiền ra để đi từ một nơi xa xôi đến để trải nghiệm.Các mô hình CBT ít khi có thể tự thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị lớn nhằm thu hút khách, một phần vì không có năng lực, phần khác là không có kinh phí. Do đó, các mô hình CBT chủ yếu dựa vào các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh gửi khách đến. Các cộng đồng lại không hợp tác với một đối tác, họ hợp tác với hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty du lịch với kỳ vọng có được lượng khách lớn.Vấn đề là trong thời đại cạnh tranh về du lịch rất khốc liệt như hiện nay, có rất ít doanh nghiệp mạnh dạn bỏ ra một số tiền lớn để quảng bá cho mô hình du lịch CBT rồi bán sản phẩm và mang khách đến, vì một khi họ đầu tư số tiền lớn để quảng bá thì doanh nghiệp khác ngay lập tức hưởng lợi và giảm giá để kéo khách về cho công ty mình. Thêm nữa, rất nhiều công ty du lịch Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B, nghĩa là giới thiệu sản phẩm qua một đối tác trung gian, và việc mô hình du lịch CBT có được quảng bá hay không phụ thuộc rất lớn vào đối tác này.Những kinh nghiệm thực tiễnỞ thôn Chày, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có Rustic Chày Lập (còn gọi là Thôn quê Chày Lập) - điểm du lịch cộng đồng đầu tiên được xây dựng tháng 2-2009 do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua một tổ chức NGO. Ban đầu UBND xã Phúc Trạch thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng xã Phúc Trạch, sau này lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng Chày Lập để sở hữu, quản lý và hưởng lợi từ hoạt động du lịch của cộng đồng. Có tất cả 15 hội viên là những nông dân trong khu vực thôn Chày tham gia hợp tác xã này.Hình thức đầu tư của dự án là nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình homestay, mua sắm các trang thiết bị như xe đạp, kayak... Các xã viên hợp tác xã đối ứng vốn bằng 20% tổng vốn đầu tư (tương đương 372.500.000 đồng) bằng cách xác nhận khoản nợ này với một quỹ phúc lợi phụ nữ địa phương. Cứ mỗi khách đến sử dụng dịch vụ với số tiền 100.000 đồng thì sẽ trích lại 50.000 đồng để trừ nợ vốn đối ứng và thực hiện trong vòng 10 năm.Dự án đã tổ chức nhiều chuyến famtrip dành cho các công ty lữ hành từ Huế đến TP.HCM, Hà Nội đến Chày Lập khảo sát và ký kết các hợp đồng hợp tác, với cam kết gửi khách du lịch đến cho cộng đồng. Thời gian đầu, các công ty du lịch gửi khách đến, hoạt động du lịch cộng đồng Chày Lập có thu nhập ít nhiều. Nhưng các thành viên trong ban quản trị hợp tác xã này lúc bấy giờ đều có xuất phát điểm là những người nông dân, do đó có nhiều hạn chế về kinh nghiệm kinh doanh, các kỹ năng phục vụ, giao tiếp, tiếng Anh… Họ gặp nhiều khó khăn để thực hiện ý định nhân văn tốt đẹp của thương hiệu Thôn quê Chày Lập.Mô hình này dần sa sút, khi các khoản nợ mới chỉ trả được khoảng 30% thì mất khả năng thanh toán. Hoạt động du lịch sau đó gần như bế tắc, các trang thiết bị hư hại không thể sử dụng, các căn nhà đầu tư làm homestay không có khách đến. Và các xã viên phải gánh một khoản nợ kéo dài nhiều năm nay.Hệ thống nhà ở Chày Lập Farmstay (Quảng Bình)Cách Chày Lập chừng 15km, khi Phong Nha được truyền thông trong nước và thế giới liên tục đưa tin sau sự kiện hang Sơn Đoòng, nơi đây dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Các sản phẩm du lịch mạo hiểm dài ngày ở Phong Nha thu hút rất nhiều du khách, và vì thế đòi hỏi một nhu cầu lưu trú rất lớn đối với vùng làng quê nhỏ này. Từ những năm 2015-2016 đến nay, mô hình homestay (thực chất là các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ) nở rộ. Rất nhiều hộ dân vay tiền để xây thêm phòng nghỉ, cơi nới nhà cửa tạo thêm phòng để phục vụ du khách. Nhiều hoạt động và dịch vụ khác phục vụ du khách được phát triển khá rầm rộ.Nguồn khách của các homestay này đến chủ yếu từ các kênh OTA (Online Travel Agents) như booking.com, agoda, airbnb và nhiều nền tảng khác. Các homestay này còn có một nguồn khách khá lớn từ những công ty du lịch mạo hiểm như Oxalis, Jungle Boss, Green Land và nhiều công ty khác trên địa bàn (hằng năm mỗi công ty có trên dưới 15.000 khách). Hiện ở Phong Nha có hơn 100 homestay, kinh doanh và tìm kiếm khách từ nhiều nguồn.Mô hình homestay ở Phong Nha ổn thỏa là nhờ các hoạt động du lịch tại điểm đến Phong Nha - Kẻ Bàng, các sản phẩm du lịch của các công ty du lịch mạo hiểm và các điểm du lịch hấp dẫn khách. Các chủ homestay đã tận dụng tốt cơ hội này để bán phòng và các dịch vụ thông qua các kênh trực tiếp và qua các hệ thống OTA.Nếu mô hình CBT được hình thành ở chính một điểm đến du lịch đã nổi tiếng rồi và có nguồn khách dồi dào như ở Phong Nha, mọi thứ sẽ đơn giản hơn, thu hút khách trải nghiệm thêm các hoạt động du lịch cộng đồng cũng khả thi. Lúc này sản phẩm CBT trở thành các hoạt động phụ mang giá trị gia tăng cho hành trình của du khách.Một mô hình CBT độc lập không gắn với một điểm đến nào có tiếng chỉ có thể thành công khi họ có sản phẩm "đinh" đủ sức lôi kéo khách từ xa đến trải nghiệm, từ đó mới phát triển các dịch vụ đi kèm như ăn uống, homestay... Thiếu vắng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các chiến lược quảng bá, tiếp thị và thu hút du khách, thiếu vắng sản phẩm "đinh" chính là thiếu đi hai điều kiện căn bản nhất để du lịch cộng đồng thành công. Tại Thái Lan, mô hình CBT có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, khó khăn cũng tương tự. Từ nhiều năm trước, người dân Thái Lan cũng thành lập các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tự cung tự cấp để bảo đảm người dân trong cộng đồng đủ ăn. Tôi đã tới tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp và du lịch cộng đồng ở làng du lịch cộng đồng Meatha Community, tỉnh Lanphun vùng tây bắc Thái Lan. Cộng đồng này có khoảng 13 hộ sản xuất tham gia, trong đó có hộ trồng rau củ sạch, hộ nuôi gà đẻ trứng sạch, hộ nuôi gà sạch... cung ứng cho các hệ thống siêu thị sạch trên phạm vi Chiang Mai và các tỉnh khác của Thái Lan. Các sản phẩm nông nghiệp của họ được đưa vào hệ thống TopMarket thuộc Tập đoàn Central Corp rất lớn ở Thái Lan. Họ cũng kinh doanh du lịch và Meatha trở thành điểm tham quan được du khách trong và ngoài nước biết tiếng.Ban đầu ban điều hành hợp tác xã là những người trực tiếp sản xuất sản phẩm theo hướng dẫn của các chuyên gia từ các trường đại học và các tổ chức khác ở Thái Lan. Tuy nhiên, vì là nông dân, họ không đủ kiến thức để tiếp thị hay bán hàng, cũng không có khả năng đi đàm phán với các tập đoàn siêu thị để mang sản phẩm vào bán.Trong hoàn cảnh đó, một hội doanh nhân gốc Thái ở nước ngoài có một sáng kiến. Họ dành một ngân sách đáng kể đi tìm kiếm, kêu gọi con em địa phương Meatha, những người có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trở về quê hương để xây dựng mô hình CBT trên quê hương của họ. Ban điều hành hợp tác xã Meatha hiện có 6 người, mỗi người phụ trách mỗi mảng. Với vốn kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết, những người này đã tận dụng các mối quan hệ của chính quyền, các tổ chức xã hội và nhiều nguồn lực khác để kết nối, giới thiệu các sản phẩm sạch của Meatha vào các chuỗi siêu thị lớn của Thái Lan, xây dựng các sản phẩm du lịch, trực tiếp thực hiện quảng bá, tiếp thị bán hàng và thu hút khách du lịch đến. Tags: Du lịch cộng đồng tại việt namDu LịchDu lịch cộng đồngHomestay
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.