Chiều 21-2, ông Võ Đình Tiến - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên - cho biết sở đã lập đoàn kiểm tra các dự án đăng ký đầu tư nhiều năm nhưng không thực hiện để tham mưu UBND tỉnh xử lý, trong đó có dự án trồng rừng sản xuất kinh doanh và phòng hộ tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) của Công ty TNHH Trúc Lâm (Công ty Trúc Lâm, ở xã Xuân Phước).
'Treo' đất 17 năm
Ông Phạm Trung Chánh - phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - đưa phóng viên đến nơi đặt trụ sở của Công ty Trúc Lâm tại thôn Suối Mây. "Trụ sở" đã bỏ hoang thời gian dài, bị đập phá lấy hết cửa nẻo. Đất đai xung quanh vừa được ai đó cày xới lên, còn tươi, chuẩn bị xuống giống vụ mía mới.
Chỉ tay quanh khu vực đồi núi hầu hết đều đã được trồng mía, trồng keo ở dây, ông Chánh nói năm 2002, UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đầu tư dự án trồng rừng tại thôn Suối Mây này cho Công ty Trúc Lâm. Đến năm 2006, tỉnh ra quyết định thu hồi 270 ha đất ở thôn này do huyện quản lý để giao cho công ty trên làm dự án.
"Tuy nhiên từ đó đến nay công ty này không thực hiện dự án, trong khi một phần diện tích đã được dân canh tác trước khi có dự án thì họ tiếp tục sản xuất, còn phần lớn diện tích còn lại cũng bị xâm lấn rồi" - ông Chánh cho hay.
Ông Lê Mo Y Ba, người dân tộc Chăm H'roi ở thôn Suối Mây (xã Xuân Phước), nói rằng người dân tộc thiểu số ở địa phương này rất cần đất để sản xuất, trồng trọt, nhưng phần lớn đất ở đây đã được thông báo thu hồi để giao Công ty Trúc Lâm nên dân gặp khó khăn.
"Nếu công ty không làm dự án trồng rừng thì nên giao đất cho dân làm, chứ dân cần mà đất "treo" miết mười mấy năm vậy thì không được chút nào" - ông Y Ba nói.
Vào cuối năm 2022, UBND huyện Đồng Xuân có văn bản gởi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên kiến nghị rằng dự án đã kéo dài nhiều năm, Công ty TNHH Trúc Lâm không thực hiện các thủ tục đầu tư và đất đai, trong khi dân có ý kiến cấp đất để họ canh tác, nên đề nghị sở trình UBND tỉnh giải quyết dự án nêu trên.
"Trường hợp tỉnh cho Công ty Trúc Lâm tiếp tục làm dự án thì phải yêu cầu họ thực hiện trong thời gian bao lâu hoàn thành dự án. Còn nếu họ không thực hiện thì thu hồi dự án, giao đất địa phương quản lý, cân đối để cấp cho dân sản xuất" - ông Chánh nói.
Chưa thể giao đất, cho thuê đất
Theo quyết định thu hồi đất năm 2006 của UBND tỉnh Phú Yên, trong 270 ha đất lâm nghiệp làm dự án này có hơn 52,5 ha đã được dân trồng mía, sắn, lúa; hơn 217 ha đất đồi núi chưa sử dụng, còn lại là đất mặt nước chuyên dùng.
UBND tỉnh Phú Yên giao UBND huyện Đồng Xuân lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với chủ đầu tư bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chặt đất đã thu hồi, trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất sau khi UBND huyện Đồng Xuân và chủ đầu tư thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 21-2, bà Huỳnh Thị Mộng Tuyền - giám đốc Công ty Trúc Lâm - nói: "Tôi chưa bao giờ từ bỏ và không thúc đẩy dự án. Tôi đã bồi thường cho một số hộ dân rồi, nhưng nhiều hộ khác tiếp tục xâm canh mà chính quyền không xử lý họ được, dẫn đến bây giờ công ty chúng tôi chưa được giao đất, cho thuê đất để làm dự án. Tôi mong UBND tỉnh Phú Yên và UBND huyện Đồng Xuân quan tâm giải quyết việc này cho chúng tôi".
Chiều cùng ngày, ông Đặng Ngọc Anh - nguyên bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, hiện là giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên - cho biết đến thời điểm hiện tại chưa giao đất, cho thuê đất đối với Công ty Trúc Lâm.
"Thực tế thì công ty trên có bồi thường, hỗ trợ cho một số hộ đã canh tác trên diện tích đất bị thu hồi, nhưng phần lớn diện tích còn lại là họ chưa thỏa thuận được với bà con về bồi thường. Chưa xong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì chưa thể giao đất, cho thuê đất được" - ông Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận